Thứ Ba, 25/02/2025 20:49 CH
Cá chình “Sách đỏ” cần được bảo vệ
Thứ Ba, 02/04/2019 13:00 CH

Cơ sở bán chình giống của ông Lương Toàn Thắng (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) - Ảnh: THÁI HÀ

Nguồn lợi thủy sản nước ngọt trên sông nói chung, cá chình nói riêng đang bị suy giảm ở mức báo động, vì vậy việc nghiên cứu tình hình khai thác, xem xét những tác động bất lợi và đề xuất một số giải pháp bảo vệ để duy trì, phát triển bền vững nguồn lợi cá chình cần phải được thực hiện.

 

Nguồn lợi quý

 

Cá chình là đặc sản rất có giá trị được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, Phú Yên hiện vẫn chưa nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo cá chình, vì vậy nguồn giống cá chình phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và giá cá chình giống thương phẩm luôn ở mức cao.

 

Ông Lương Toàn Thắng, chủ cơ sở bán cá giống Toàn Thắng ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa cho biết, chình bạch tử thường xuất hiện sau những trận lụt lớn ở hầu hết các con sông của Phú Yên. Hiện nay, chình bạch tử được mua với giá khoảng 2.500-3.000 đồng/con nhưng nguồn giống rất khan hiếm. Nếu 10 năm trước, có ngày anh Thắng mua được 10.000 con giống bạch tử thì nay nhiều lắm cũng chỉ được khoảng 2.000 con. Cá chình giống Phú Yên là sản phẩm được thị trường khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… ưa chuộng.

 

Do nhu cầu cá chình thương phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu tăng cao nên ở lưu vực các sông lớn của Phú Yên cũng như nhiều vùng khác ở miền Trung, nghề đánh bắt cá chình gia tăng rất mạnh. Số người đánh bắt tăng; vùng khai thác mở rộng từ hạ lưu đến trung, thượng lưu, các phụ lưu cùng nhiều tác động khác… đã dẫn đến quần thể đàn cá chình trong tự nhiên giảm khả năng phục hồi và tái tạo.

 

Trước thực trạng nhiều loài động, thực vật đã bị tuyệt chủng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng, các nguồn tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học không ngừng bị suy giảm, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) đã đưa ra các bộ Sách đỏ nhằm cung cấp một cách khoa học và có hệ thống danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Ở Việt Nam, phiên bản mới nhất hiện nay là Sách đỏ Việt Nam 2007 với các tiêu chuẩn được xây dựng trên nền các tiêu chuẩn của Sách đỏ IUCN. Trong bộ Sách đỏ 2007 có tên hai loài cá chình bông và chình mun hiện có trên các con sông Phú Yên. Trong đó, cá chình mun là loài quý hiếm được xếp bậc EN và VU nên phải cấm khai thác; cá chình hoa xếp bậc VU nên cần hạn chế khai thác.

 

Cần giải pháp bảo vệ

 

Cá chình sinh sản ở biển nhưng di cư vào các sông nước ngọt, từ sông cái đi vào các khe, suối đầu nguồn có dòng chảy ổn định và sống ở đó cho đến lúc trưởng thành lại quay về đại dương sinh sản. Vì quá trình sinh trưởng, cá chình sống ở các môi trường nước khác nhau nên bà Lê Thị Hằng Nga, Phó chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, Phú Yên chưa sản xuất được chình giống và người dân vẫn chỉ khai thác cá giống trong tự nhiên.

 

Những thập niên gần đây, các sông lớn của Phú Yên đang chịu nhiều tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội: Xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, các nhà máy, các cơ sở sản xuất công nghiệp; gia tăng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong lưu vực làm thay đổi dòng chảy; nguồn nước ở vùng trung lưu và đầu nguồn bị ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống các loài cá và các loài thủy sinh vật khác. Nhiều loài có giá trị kinh tế, quý hiếm bị suy giảm nhanh về số lượng, làm suy giảm tính đa dạng sinh học, trong đó có cá chình.

 

Năm 2010, TS Nguyễn Minh Ty (lúc bấy giờ là chuyên viên môn Sinh học Sở GD-ĐT Phú Yên), khi thực hiện đề tài nghiên cứu về khu hệ cá trên sông Ba, đã tiến hành điều tra, nghiên cứu và thu thập mẫu tại 15 điểm trên sông Ba và các phụ lưu của nó từ thượng nguồn đến hạ lưu thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên với 8 đợt khảo sát trong mùa khô và mùa mưa. Kết quả cho thấy ở lưu vực sông Ba có 3 loài cá chình: chình hoa (Anguilla marmorata), chình nhọn (A. malgumora), chình mun (A. bicolor bicolor). Trong đó, cá chình hoa có số lượng nhiều (trên 95% sản lượng cá chình khai thác), phân bố rộng từ vùng thượng lưu đến hạ lưu; hai loài chình nhọn và chình mun có số lượng rất ít. TS Nguyễn Minh Ty cũng đã đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ, nhưng việc thực thi các giải pháp chưa hiệu quả nên kết quả mang lại chưa cao.

 

Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, cá chình đang chịu sự tác động của con người (khai thác quá mức, gây ô nhiễm môi trường) và sự thay đổi của các điều kiện tự nhiên. Để bảo vệ các loại cá chình có tên trong Sách đỏ là việc không dễ thực hiện, cần những giải pháp căn cơ. “Trước mắt, ngoài việc thực thi các văn bản chỉ đạo của tỉnh nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước thì chúng tôi tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết về Luật Thủy sản và các quy định về kích thước mắt lưới, đối tượng cần bảo vệ, đối tượng cấm khai thác, ngư cụ cấm sử dụng trong quá trình khai thác… để qua đó, người dân hiểu nguồn tài nguyên thủy sản không phải là vô tận, cần bảo vệ mới có thể phát triển lâu dài”, ông Nhạn nói.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek