Công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay được xem như công cụ, phương tiện để phục vụ phát triển các doanh nghiệp (DN). Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh sẽ giúp các DN tiết kiệm nhiều chi phí hoạt động, liên lạc, in ấn, quản lý thông tin tốt hơn, chính xác hơn, cải tiến quy trình sản xuất, sản phẩm làm ra ngày càng có hàm lượng sáng tạo cao nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, tăng lợi nhuận của DN...
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp hoạt động quản lý ở Sở Thương mại Phú Yên hiệu quả hơn - Ảnh: MINH NGUYỆT |
Sự phát triển của thương mại điện tử sẽ giúp các DN cập nhật các thông tin về tình hình, nhu cầu của thị trường một cách đầy đủ nhất. Thông qua mạng internet trong thị trường toàn cầu, các DN không chỉ quảng bá hình ảnh của đơn vị mình mà còn tham gia trưng bày hàng hóa, tiếp thị sản phẩm, quy trình sản xuất kinh doanh, trao đổi thông tin... dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng. Việc trao đổi thông tin thường xuyên thông qua mạng sẽ mang lại cho DN và đối tác những thông tin quý báu mà những kênh thông tin khác khó có thể làm được. Với đối tác và khách hàng, thông qua hình thức giao dịch điện tử, việc đàm phán, đặt hàng, giao hàng, theo dõi diễn biến của thị trường cũng như khả năng đáp ứng về nhân lực, hàng hóa, thanh toán được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, các biện pháp giao dịch diễn ra được an toàn hơn; việc tìm kiếm, thu hút khách hàng cũng nhanh hơn.
Để hoạt động kinh doanh của đơn vị đạt hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, DN cần phải có các nghiệp vụ xử lý, trao đổi dữ liệu trên máy tính. Để thực hiện việc này đòi hỏi phải có nhân lực am hiểu về CNTT để khai thác, xử lý dữ liệu, vận hành, bảo dưỡng và phát triển hệ thống. Nhân lực này có thể là những người trực tiếp làm việc với máy tính, hệ thống phần cứng, phần mềm, dữ liệu, cơ sở dữ liệu... và những người đặt ra các yêu cầu và sử dụng các kết quả, báo cáo sau khi dữ liệu này được xử lý trên máy tính để phục vụ việc ra quyết định.
Nguồn nhân lực trong hệ thống thông tin có thể được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 là những người quản trị hệ thống. Đây là những người đảm bảo sự vận hành hệ thống và bảo vệ hệ thống trước những sự cố nhằm duy trì hoạt động quản lý, kinh doanh, sản xuất... Nhóm 2 là những chuyên viên kỹ thuật CNTT có trách nhiệm thực hiện các bài toán nghiệp vụ. Nhóm 3 là những người sử dụng, có thể là kỹ thuật viên hoặc những người thuộc các chuyên ngành khác. Những chuyên viên CNTT hỗ trợ các vấn đề về công nghệ của hệ thống, bảo đảm hệ thống hoạt động tốt về mặt kỹ thuật và cập nhật công nghệ theo quy định. Quản trị hệ thống là người quản lý, chịu trách nhiệm toàn bộ hệ thống, bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt.
Để triển khai và áp dụng CNTT vào thực tế quản lý, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và khai thác tối đa hiệu suất của những trang thiết bị phần cứng hiện tại, các DN cần có những chính sách và giải pháp để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT tại đơn vị mình như: Đầu tư thỏa đáng để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin vì nếu phương tiện như nhau, cùng có một lượng thông tin như nhau nhưng DN nào có đội ngũ nhân lực công nghệ có trình độ cao hơn sẽ biết phải làm gì và làm như thế nào để chớp lấy thời cơ và giành được thuận lợi cho DN mình. Bên cạnh đó, các DN cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin và các chuyên môn hẹp phù hợp cho các nhân viên chuyên trách nhằm phát huy tối đa năng lực, tiềm lực của nhân viên để phục vụ triển khai những dự án CNTT hiện tại và tương lai của đơn vị mình. Các DN cũng nên có chính sách và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân lực CNTT có trình độ cao vì nguồn nhân lực hiện nay được xem là nguồn vốn trí tuệ của mỗi DN. Ngoài ra, các DN cần tạo môi trường thuận lợi cho nhân viên làm việc theo nhóm, phát huy tính sáng tạo của mỗi nhân viên; có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời cho những nhân viên có những phát kiến sáng tạo trong việc áp dụng những công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tiết kiệm thời gian, chi phí...
Phát triển nguồn lực CNTT sẽ giúp các DN Việt Nam tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí trong công tác quản lý, sản xuất kinh doanh khi ứng dụng CNTT; tạo cơ hội kết nối với các tổ chức kinh tế, thương mại quốc tế, các đối tác đang đầu tư và làm ăn, quảng bá hình ảnh, sản phẩm, thu thập được những thông tin phong phú về kinh tế – thương mại; tạo điều kiện để thiết lập và củng cố mối quan hệ với đối tác và khách hàng tiềm năng...
Thạc sĩ TRẦN MINH TÙNG
(Trường ĐH Bán công Marketing)