Chị Đoàn Hoài Linh đang phân rã mummies, chuẩn bị mang đi phóng thích ong - Ảnh: LY KHA |
TỪ CHUYỆN CỦA NHỮNG NHÀ KHOA HỌC
Năm 2004, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Phú Yên thực hiện đề tài nhân nuôi OKS diệt bọ dừa dưới sự hỗ trợ của Trường Đại học Nông – Lâm TP HCM và một số chuyên gia Nhật Bản. Từ đó đến nay, đơn vị này đã tạo ra gần 30.000 mummies (xác trứng bọ dừa đã nhiễm OKS) và phóng thích được hàng chục triệu OKS ra tự nhiên. Đây được xem là cách diệt bọ dừa hiệu quả nhất mà môi trường vẫn được giữ sạch.
Ông Đặng Văn Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV Phú Yên, cho biết: “Để diệt triệt để bọ dừa, cần thả ra môi trường số lượng OKS khổng lồ và điều này phải được thực hiện liên tục, trong khi các đề tài hoặc chương trình khoa học thường có giới hạn về thời gian và nhân - vật lực”. Vì thế, Chi cục BVTV đã quyết định triển khai đề tài nhân nuôi OKS cho bà con nông dân thực hiện.
ĐẾN VIỆC THƯỜNG NHẬT CỦA NÔNG DÂN
Trước khi đưa đề tài này cho nông dân, không ít ý kiến cho rằng dự án sẽ không khả thi, bởi đòi hỏi người thực hiện phải đạt một trình độ nhất định và điều kiện môi trường thích hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người nông dân có thể làm tốt việc này nếu được hướng dẫn cụ thể.
Từ tháng 11/2007, quy trình nhân nuôi OKS diệt bọ dừa và phóng thích ra tự nhiên được chuyển giao cho 18 hộ dân ở 3 huyện Tuy An, Sông Cầu và Tây Hòa. Chị Đoàn Hoài Linh ở khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) vừa chuẩn bị để giao mummies cho Trạm BVTV huyện nghiệm thu, vừa cho chúng tôi biết: “Sau khi được Trạm BVTV tập huấn, em nhận về nhân nuôi. Việc này khá dễ, các em nhỏ cũng có thể làm nếu được hướng dẫn kỹ. Bây giờ cả nhà em hễ rảnh tay là làm mummies ong”.
Trong nhà những người dân tham gia chương trình này ở Tuy An, hộp nuôi ong ở khắp nơi, từ phòng ngủ, nhà ăn, dưới cầu thang, trên bàn… Anh Lê Văn Thành ở thôn Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh, hướng dẫn cho chúng tôi rất rành mạch quy trình nhân nuôi OKS: “Thả vào hộp nhựa cả lá dừa non và bọ dừa trưởng thành, bọ dừa sẽ đẻ trứng. Bắt bọ dừa sau khi đẻ sang hộp khác có sẵn lá dừa non, làm tuần tự cho đến khi bọ dừa không đẻ nữa và chết”.
“Với trứng bọ dừa, sau 4 – 5 ngày sẽ nở con. Sâu non được chuyển sang hộp có sẵn lá dừa non để nuôi khoảng 8 ngày, rồi thả ong đã vũ hóa vào. Khi OKS vào bên trong sâu (trong 24 giờ), chuyển sâu sang hộp có sẵn lá dừa non khác, nuôi đến khi sâu bỏ ăn và chuyển sang màu đen - gọi là mummies. Đây là giai đoạn phóng thích ong. Sau khi nghiệm thu, cứ 5 mummies được bỏ vào một ống đem treo ở những đọt dừa ngoài tự nhiên. Chính từ những mummies này, ong ký sinh sẽ vũ hóa và đi tìm sâu trong tự nhiên để đẻ trứng ký sinh vào đấy” - anh Thành trình bày.
Trưởng Trạm BVTV huyện Tuy An Trần Thị Hường nói: Hầu hết nông dân hợp đồng nhân nuôi ong ký sinh đều làm rất tốt. Theo thỏa thuận, chương trình được thử nghiệm trong 3 tháng, mỗi hộ nông dân phải tạo được 1.000 mummies (hơn 100.000 ong ký sinh).
Chương trình nhân nuôi ong ký sinh diệt bọ dừa thực hiện tại Phú Yên đã khẳng định có nhiều hiệu quả, một số hộ nông dân cũng làm được. Do vậy, xã hội hóa nhân nuôi ong ký sinh diệt bọ dừa chẳng phải là nhiệm vụ bất khả thi!
LY KHA