Thứ Sáu, 10/01/2025 10:20 SA
Xây dựng xã hội học tập: Phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm
Thứ Tư, 01/11/2017 13:00 CH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cùng lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và các sở, ban, ngành tặng học bổng cho sinh viên nghèo - Ảnh: HÀ MY

Thời gian qua, công tác xây dựng xã hội học tập ở Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Thông qua việc triển khai các mô hình học tập ở cơ sở, đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong người dân, Phú Yên phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một xã hội học tập.

 

Những kết quả khích lệ

 

Góp phần quan trọng làm nên những kết quả trong công tác xây dựng xã hội học tập của tỉnh thời gian qua, phải kể đến các cấp Hội khuyến học. Theo ông Trương Văn Tho, Thư ký Hội Khuyến học tỉnh, các cấp Hội đã làm tốt công tác liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài; đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn dân thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 112 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, tổ chức các lớp học đáp ứng nhu cầu của người dân; các cấp Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền Bộ tiêu chí xây dựng các mô hình học tập, triển khai đăng ký và đánh giá “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “đơn vị học tập”, “cộng đồng học tập”…

 

Tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 58.286 gia đình học tập, 313 dòng họ học tập, 325 đơn vị học tập cơ sở thuộc xã quản lý. Các trung tâm học tập cộng đồng đã phối hợp mở 270 lớp nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, dạy nghề lao động nông thôn, giáo dục kỹ năng sống… Riêng trong Tuần lễ học tập suốt đời năm 2017, các trung tâm đã mở 115 lớp, thu hút hơn 4.800 học viên tham gia. Thông qua các lớp dạy học này, nhiều kiến thức đã được người dân vận dụng vào thực tế đời sống, góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

 

Trong các phong trào lớn của xây dựng xã hội học tập ở Phú Yên, không thể không nhắc đến phong trào đỡ đầu học sinh nghèo. Trong 5 năm qua, thực hiện công trình “1.000 địa chỉ tiếp bước cho em đến trường”, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong tỉnh đã nhận đỡ đầu trên 900 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp cùng ngành Giáo dục nhận đỡ đầu 1.288 học sinh. Cuộc vận động “Tiếp sức cho em đến trường” cũng được các cấp ngành, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đẩy mạnh. “Những cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc này đã góp phần tạo cơ hội học tập cho các học sinh nghèo, động viên các em nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên chia sẻ.

 

Nâng cao ý thức học tập trong người lớn

 

Theo Ban chỉ đạo đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 tỉnh Phú Yên, từ khi đề án được triển khai, từ tỉnh đến các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo và có kế hoạch thực hiện ở từng giai đoạn. Nhiều hình thức, mô hình học tập được tổ chức khắp các địa phương; việc học tập đã và đang trở thành nhu cầu và tạo thành phong trào mạnh mẽ trong nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc xây dựng xã hội học tập tại Phú Yên cũng còn nhiều khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người khó khăn về kinh tế, chưa có điều kiện đi học; việc huy động người lớn đi học còn hạn chế...

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, muốn xây dựng xã hội học tập đạt kết quả thì mọi người phải nhận thức đúng về bản chất của nó, đó là xã hội toàn dân học tập; Nhà nước và nhân dân cùng làm giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền là yếu tố then chốt, cuộc vận động xây dựng xã hội học tập cần có sự phối hợp tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, công ty, doanh nghiệp, đặc biệt là sự thực hiện tích cực của ngành GD-ĐT và của các cấp Hội khuyến học. Hội Khuyến học phải được phát triển mạnh để tổ chức tốt các hoạt động khuyến học, khuyến tài góp phần tham gia xây dựng xã hội học tập. Hệ thống giáo dục cần phát triển mạnh cả giáo dục chính quy, không chính quy để tạo điều kiện cho mọi người đều được đi học. Huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên mọi tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục.

 

 

Hiện nay, hệ thống giáo dục trong nhà trường từ bậc mầm non đến đại học tương đối hoàn chỉnh, song hệ thống giáo dục dành cho người lớn, người lao động chưa được quan tâm đầy đủ. Để đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, các cấp ngành cần nghiên cứu, tổ chức các lớp học dành cho người lớn với nhiều hình thức học khác nhau tại trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, thậm chí tại nhà, tại nơi làm việc dựa trên lợi thế của công nghệ thông tin. Bản thân người lớn cũng cần xây dựng cho mình ý thức học tập suốt đời. Có như vậy mới mong sớm xây dựng tỉnh thành một xã hội học tập.

 

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lê Văn Hữu

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek