Thứ Ba, 07/01/2025 17:13 CH
Để “giữ chân” học sinh học nghề
Chủ Nhật, 01/10/2017 08:48 SA

Chán học văn hóa, không ít học sinh sau THCS đăng ký vào học nghề. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các em lại bỏ học. Vậy nên, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là trường nghề có lượng học sinh theo học ban đầu rất đông nhưng số thực học cũng như tỉ lệ ra trường thì rất ít.

 

Thực tế đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên niên khóa 2014-2017 cho thấy, số học sinh, sinh viên dự thi tốt nghiệp cuối khóa giảm gần 30% so với số học sinh, sinh viên nhập học đầu khóa. Hay như tại hội nghị sơ kết một năm phối hợp đào tạo nghề phổ thông cho học sinh lớp 10 trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh do Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tổ chức, số học sinh “rơi rụng” trong quá trình học nghề cũng rất nhiều.

 

Thầy Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng đào tạo Trường cao đẳng nghề Phú Yên, cho biết nguyên nhân học sinh bỏ học nhiều là do các em đã chán học văn hóa, vì đa số đều nghĩ rằng học nghề là một hình thức học tập đơn thuần hoạt động chân tay, nhưng khi gặp các môn lý thuyết ban đầu các em lại chán. Thường tỉ lệ học sinh bỏ học cao chủ yếu ở năm đầu, chiếm đến 25-30%. Theo thầy Phong, ngoài chán học văn hóa, học sinh trường nghề bỏ học còn do đầu vào tuyển sinh của các trường nghề thấp, một số học sinh, sinh viên chọn nghề, chọn trường ban đầu chưa phù hợp với năng lực, sở trường của mình nên chưa cố gắng, nỗ lực vượt khó trong quá trình học tập và rèn luyện… Học sinh, sinh viên bỏ học khiến công tác tuyển sinh, đào tạo bị ảnh hưởng không nhỏ.

 

Theo quy định, từ năm học 2007-2008, các trường đào tạo hệ trung cấp nghề bên cạnh việc bảo đảm trình độ tay nghề của học sinh khi tốt nghiệp còn phải bảo đảm các em đạt trình độ văn hóa tương đương THPT. Trong khi đó, học sinh khi đăng ký học nghề ở hệ trung cấp chỉ cần tốt nghiệp THCS. Đối với các đối tượng này, các trường nghề phải kiêm luôn việc dạy văn hóa. Học văn hóa nhiều nhưng trình độ còn yếu để tiếp thu, vì thế nhiều em không đạt được kết quả trong các kỳ kiểm tra buộc nhà trường phải đình chỉ lại kết quả học tập hoặc tự chính bản thân học sinh cảm thấy không theo được nên đã nghỉ học.

 

Việc đào tạo nghề kèm với việc dạy văn hóa là một gánh nặng cho các trường nghề. Hầu hết học sinh khi chọn con đường học nghề đều không thích học văn hóa. Khi không thích học mà bị ép sẽ dễ dẫn đến tình trạng nghỉ học giữa chừng. Chúng ta đang ngày càng thu hút được nhiều học sinh vào trường nghề, nhưng làm sao để giữ chân các em lại là một vấn đề rất nan giải.

 

Để hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, theo các trường, phụ huynh cần hợp tác chặt chẽ với nhà trường. Bởi các em vừa tốt nghiệp THCS còn quá nhỏ, dễ bị lôi cuốn vào các đam mê khác. Bên cạnh đó, việc theo dõi tâm lý của các em để có những tư vấn phù hợp cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn để các em có thể hoàn thành việc học cũng là giải pháp cần thiết. Còn theo đề xuất của lãnh đạo các trường THPT có tổ chức đào tạo nghề phổ thông cho học sinh lớp 10 (do Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thực hiện), ở giai đoạn đầu, nhà trường cố gắng giảm bớt các môn lý thuyết và sắp xếp vào đó những môn thực hành nghề nghiệp để kỳ vọng các em có hứng thú với môi trường học tập mới. Một khi các em hứng thú với chương trình đào tạo nghề thì khi ấy việc phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp mới hiệu quả.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek