Bức xúc trước tình trạng lạm thu diễn ra trong trường học núp bóng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh, mới đây, một phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh đã gửi thư qua địa chỉ email của Văn phòng Chính phủ kiến nghị dẹp bỏ Hội phụ huynh. Điều đáng quan tâm là có rất nhiều phụ huynh đồng tình với kiến nghị này, thậm chí một số người còn gọi chế đi Hội phụ huynh là “Hội phụ thu”, “Hội lạm thu”. Là một người nhiều năm liền gắn bó với ngành Giáo dục, tôi rất buồn khi xảy ra sự việc trên và cho rằng nên chấn chỉnh lại hoạt động của Hội phụ huynh học sinh, thay vì dẹp bỏ.
Hội phụ huynh học sinh được thành lập là để thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng và Nhà nước ta, đó là nguyên lý học đi đôi với hành, gắn nhà trường với gia đình học sinh và xã hội. Thử hỏi nếu dẹp bỏ Hội phụ huynh học sinh, thì ai sẽ là người đại diện làm việc với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh… Trong Thông tư 55 về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22/11/2011, có quy định về nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ phối hợp với hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung đã được thống nhất; phối hợp với nhà trường hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục cho học sinh; tập hợp ý kiến của các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, của cha mẹ học sinh để thống nhất với hiệu trưởng các biện pháp giải quyết. Tuyệt nhiên không có khoản, mục, điều nào quy định việc Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành người đi “thu tiền” cho nhà trường.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lạm thu, có sự yếu kém của một số ban đại diện cha mẹ học sinh. Sự lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ trong quản lý đã tiếp tay cho Hội phụ huynh trở thành “cánh tay” của ban giám hiệu nhà trường khi đề ra các khoản thu vô lý, gây bức xúc cho xã hội. Tuy nhiên, không phải vì lấy lý do đó mà dẹp bỏ Hội phụ huynh học sinh. Không phải cái gì sai là đập bỏ, mà nên phân tích sai ở đâu, chấn chỉnh ở đó. Để Hội phụ huynh học sinh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trước hết, cần điều chỉnh lại quy chế, điều lệ hoạt động của Hội. Bên cạnh đó cần phải siết chặt công tác quản lý. Cũng như các hội khác, Hội phụ huynh học sinh cần phải được trực thuộc một tổ chức nào đó và phải chịu sự quản lý của Đảng và Nhà nước. Nếu Hội hoạt động đúng thì nên khen thưởng, sai thì chấn chỉnh, còn bộc lộ nhiều vi phạm quá thì có biện pháp xử lý bằng pháp luật. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Hội phụ huynh học sinh và nhà trường cần phải được cụ thể hóa bằng những công việc cụ thể với từng mốc thời gian cụ thể trong năm học. Thay vì họp phụ huynh học sinh chỉ để triển khai chuyện thu tiền, giáo viên chủ nhiệm nên nói rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh với phụ huynh, tìm ra các biện pháp hữu hiệu để giúp các em tiến bộ.
Cũng cần phải hiểu rằng xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là liên quan đến tiền, mà còn là sự đóng góp về tinh thần, là phối hợp để tìm ra các biện pháp tốt nhất sao cho phát huy được trách nhiệm của mọi người với giáo dục, để từ đó ai cũng được hưởng lợi. Hãy để cho Hội phụ huynh học sinh trở thành cầu nối giữa nhà trường - gia đình và học sinh, vì sự tiến bộ của các em.
NGUYỄN VĂN TÁ
Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên