Nếu như Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định tự chủ tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức khoa học và công nghệ (KH-CN) công lập như một bước đột phá tạo cơ chế mở được ví von như “khoán 10”, thì mới đây, Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH-CN khẳng định: KH-CN đang hội nhập thị trường. Đó không chỉ là chủ trương của Chính phủ mà còn là mục tiêu của Bộ KH-CN nhằm xúc tiến một thị trường KH-CN sôi động, hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất hoa ở Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú - Ảnh: P.V
TỪ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM
Ngay từ khi mới ban hành, nhiều tổ chức KH-CN nghi ngại rằng Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức KH-CN công lập chưa… hợp thời. Chủ trương này đi ngược lại “truyền thống” bao cấp lâu nay là hầu hết các tổ chức KH-CN công lập chỉ biết “ôm bầu sữa mẹ”.
Tuy nhiên, qua đánh giá của nhiều nhà khoa học có tầm nhìn mới thì đó thực sự là một cải cách táo bạo và đúng xu thế thời cuộc. Với nghị định này, các tổ chức KH-CN công lập được “cởi trói” gần như hoàn toàn, được tự chủ trong nghiên cứu, triển khai và ứng dụng, thậm chí thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa thành tựu nghiên cứu.
Trong các hội nghị triển khai nghị định này, Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong khẳng định đây là cơ hội cho các tổ chức KH-CN công lập “thay áo mới” để vươn ra thị trường, tạo dựng thương hiệu và uy tín để không chỉ nhằm thúc đẩy KH-CN nước nhà phát triển mà còn đóng góp hơn cho nền kinh tế- xã hội.
Để tạo cơ sở bước đầu cho các tổ chức KH-CN công lập, Nhà nước vẫn duy trì những gì mà tổ chức hiện có như cơ sở vật chất, trang thiết bị để làm “vốn” ban đầu. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lo ngại với cơ chế tự chủ- tự chịu trách nhiệm sẽ tạo ra sự “chuyên quyền” cho những người đứng đầu đơn vị. Điều này đã được Thông tư 12 liên bộ hướng dẫn, và theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân thì tự chủ không phải là người đứng đầu muốn làm gì thì làm mà phải chịu sự kiểm soát của tập thể cán bộ cấp dưới, của công đoàn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, cơ chế tự chủ- tự chịu trách nhiệm còn là một sự “cởi trói” cho chất xám, chấm dứt tình trạng cán bộ khoa học “ngồi chơi xơi nước” đến tháng lĩnh lương và đề cao hơn những người có trách nhiệm, có năng lực…
Với những gì mà Nghị định 115 đưa ra, một “hình ảnh” mới cho KH-CN đang dần hiện hình. Bằng chứng là nhiều đơn vị thực hiện thí điểm bước đầu lạc quan khi chuyển qua cơ chế tự chủ- tự chịu trách nhiệm, năng suất lao động, nghiên cứu được nâng cao, thậm chí có đơn vị đã thương mại được sản phẩm nghiên cứu, nâng cao đời sống cán bộ.
Và mới đây, tại sơ kết triển khai thực hiện Nghị định 115 với sự tham dự của Bộ KH-CN, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, nhiều ý kiến đã tin tưởng hơn khi đa phần địa phương, tổ chức KH-CN công lập có báo cáo, đề án trình duyệt.
Đến nay đã có 90 bộ, ngành và địa phương báo cáo, trong đó có 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 9 tập đoàn và Tổng công ty nhà nước, 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 1 tổ chức chính trị- xã hội. Một số bộ ngành, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, tích cực hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức KH-CN xây dựng đề án chuyển đổi, làm thí điểm theo chỉ đạo của liên bộ, hỗ trợ tổ chức KH-CN nâng cao tiềm lực trong giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi.
Kết quả bước đầu là trong tổng số 655 tổ chức KH-CN thuộc các bộ ngành, địa phương có 127 tổ chức có đề án đã được phê duyệt (chiếm tỷ lệ khoảng 20%), 194 tổ chức KH- CN có đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (chiếm tỷ lệ khoảng 30%), 295 tổ chức KH-CN đang xây dựng đề án…
ĐẾN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Mặc dù Nghị định 115 đã khá “mở” để tổ chức KH-CN tự chủ vươn cao, vươn xa nhưng theo các nhà khoa học thì vẫn chưa đủ để “vùng vẫy” trong cơ chế thị trường. Vì vậy, một bước đột phá tiếp theo đã được Chính phủ ban hành, đó là Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học công nghệ (DNKHCN).
Theo đó các cá nhân, tổ chức Việt
Để tạo điều kiện cho các DNKHCN sớm ra đời và hoạt động chẳng khác gì doanh nghiệp bình thường hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nghị định nêu rõ Sở KH-CN nơi đặt trụ sở chính của DNKHCN là cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp, kiểm tra, xử lý vi phạm và thu hồi giấy chứng nhận DNKHCN. Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, sở KH-CN có trách nhiệm xem xét, thẩm định để cấp giấy chứng nhận DNKHCN. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giấy chứng nhận DNKHCN đồng thời là giấy đăng ký hoạt động KH-CN.
Cùng với thủ tục đơn giản, nghị định còn có những cơ chế khuyến khích để DNKHCN hoạt động thuận lợi và hiệu quả. Đó là DNKHCN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giao quyền sử dụng hoặc sở hữu các kết quả KH-CN thuộc sở hữu nhà nước. Được hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được trừ một số khoản chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế và miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà…
Tại hội nghị triển khai Nghị định 80 tại TPHCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc hy vọng với tinh thần rộng mở của nghị định, các đơn vị nghiên cứu khoa học công lập sẽ có nhiều điều kiện chủ động triển khai các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thiết thực vào đời sống và sản xuất. TS Trần Xuân Hoài - Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng (Viện KH- CN Việt Nam) cũng có ý kiến cho rằng chất xám là “vốn” của các nhà khoa học khi tách ra thành lập DNKHCN. Vì vậy, với sự hỗ trợ của Nhà nước như ghi nhận trong Nghị định 80, mong rằng ngày càng nhiều DNKHCN được thành lập để sớm thương mại hóa thành quả nghiên cứu, phục vụ cuộc sống.
Như vậy cùng với các Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Nghị định 115, Nghị định 80 đã hình thành hệ thống cơ sở pháp lý cơ bản để KH-CN vươn ra thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình KH-CN từng bước hội nhập thị trường, đòi hỏi cần có sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các bộ, ngành khác.
Theo SGGP