Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Đó là khẳng định của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khi làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước. Đây là một quy định khá đặc thù vì theo kế hoạch, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ không còn quy định điểm sàn chung cho đại học mà điểm đầu vào là do các trường tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.
Sở dĩ Bộ GD-ĐT sẽ có điểm sàn riêng đối với các cơ sở đào tạo giáo viên là do nhìn vào bức tranh chung tuyển sinh sư phạm năm nay cho thấy, nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành sư phạm, thậm chí nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Chỉ ra căn nguyên dẫn đến tình trạng này, chính các trường sư phạm thừa nhận đó là vì cung đã vượt cầu. Nhiều giáo sinh sư phạm ra trường không có việc làm; dư thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương.
Nhận trách nhiệm về những bất cập trong đào tạo sư phạm thời gian qua từ khâu tuyển sinh đầu vào, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm đến thực trạng sinh viên sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ; đồng thời cam kết giải quyết căn cơ các vấn đề về đào tạo sư phạm, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương thực hiện đánh giá nhu cầu thực tế về giáo viên đến từng môn học, bám sát vào chương trình. Từ đó xác định rõ cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới và quản lý chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc. Các địa phương sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT để đào tạo lại giáo viên. Bộ trưởng yêu cầu đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua.
Bên cạnh sự quyết liệt của Bộ trưởng GD-ĐT, mới đây tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tình trạng điểm tuyển sinh đầu vào của một số trường sư phạm thấp không phải tất cả là do chất lượng đào tạo kém. Vẫn có một số trường tốt cả về điều kiện, cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ. Vấn đề mấu chốt ở đây là do sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc. Bởi thực tế nơi nào, ngành nào đào tạo ra có việc làm ngay, thu nhập cao, ổn định thì sẽ nhiều người đăng ký vào học. Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu không thống kê chính xác nhu cầu đầu ra thì hoạt động đào tạo sư phạm như hiện tại sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Vì vậy, ngành Giáo dục phải xem lại ngay chỉ tiêu các trường sư phạm. Trên tinh thần đó, ngành Giáo cục cần đánh giá thật sát nhu cầu giáo viên, từ tổng biên chế đến từng cấp, từng môn, từng nơi, nhằm khắc phục hiện tượng thừa, thiếu cục bộ, thừa môn này, thiếu môn kia, thừa cấp này, thiếu cấp kia.
Đối với Phú Yên, tại buổi làm việc với Trường đại học Phú Yên mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà yêu cầu, từ năm học 2018-2019, trường này phải xây dựng kế hoạch lộ trình giảm, đi đến không tuyển sinh ngoài tỉnh đối với khối sư phạm, mở các ngành đào tạo mới; chuyển đổi cơ cấu giáo viên, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với xu thế, yêu cầu của xã hội… trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi thực hiện.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, hy vọng đầu vào của các trường sư phạm sẽ được cải thiện và sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường sẽ không còn thắt thỏm nỗi lo về việc làm trong thời gian tới.
QUỲNH ANH