Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhiều giáo viên và học sinh dự đoán phổ điểm và điểm chuẩn năm nay sẽ tăng so với năm trước do đề thi được đánh giá “dễ thở”.
Thí sinh tự tin vào kết quả làm bài
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, lần đầu tiên các môn thi được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, trừ Ngữ văn. Nhiều thí sinh tỏ ra thích thú khi thi trắc nghiệm, ngay cả với các môn trong bài thi Khoa học xã hội vì dữ liệu được đưa ra sẵn để các em suy nghĩ lựa chọn. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh tự tin vào kết quả làm bài của mình.
Thí sinh Nguyễn Trọng Thăng, lớp 12 chuyên Vật lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, cho biết: Ngoài 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, em còn làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN). Nhìn chung, đề thi năm nay không quá khó nên em làm bài khá tốt, đặc biệt là bài thi KHTN. Em nghĩ điểm 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học của em sẽ đạt từ 23-25 điểm”. Thí sinh Phạm Thị Yến Nhi, học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa) cũng tự tin với bài thi tổ hợp KHTN. “Bài thi này tương đối dễ với em do em được ôn luyện khá kỹ, cộng với bài thi môn Toán em làm bài cũng khá tốt nên dự đoán tổng điểm 3 môn khối A của em sẽ dao động từ 21-23 điểm”, Nhi cho hay.
Cũng với tâm thế tự tin sau khi thi xong, nhiều thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội cho rằng, đề thi trắc nghiệm các môn này chủ yếu yêu cầu các em hiểu bài, một số câu chỉ cần nhớ một số từ khóa quan trọng là có thể làm được khoảng 60%. Thí sinh Trần Nhã Vân, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, chia sẻ: “Mặc dù áp lực với bài thi tổ hợp do nhiều kiến thức không nhớ hết nhưng em vẫn thích cách thức thi trắc nghiệm như năm nay hơn. Qua đối chiếu với đáp án của Bộ GD-ĐT, em nghĩ hai môn Lịch sử, Địa lý của em sẽ đạt 6-7 điểm/môn. Với số điểm này, em nghĩ tổ hợp khối C của em sẽ đạt ngưỡng 18-20 điểm”.
Đề thi được ra theo đúng ma trận mà Bộ GD-ĐT công bố, đó là các câu hỏi đi từ dễ đến khó nên thí sinh có học lực trung bình không khó để đạt được điểm 5. Theo các giáo viên, vì đề thi có đến 60% câu hỏi liên quan đến kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp nên phổ điểm 5-6 trong kỳ thi năm nay sẽ chiếm số lượng lớn. Điều này tương ứng năm nay tỉ lệ thí sinh đạt 18 điểm trở lên đối với 3 môn tổ hợp nào đó để xét tuyển đại học sẽ nhiều.
Theo nhận định của Sở GD-ĐT Phú Yên, với đề thi năm nay, những thí sinh học lực trung bình sẽ làm được 5-6 điểm, tức là làm tốt trong phạm vi khoảng 60% đề cơ bản. 40% câu hỏi còn lại dành để phân loại thí sinh nên tùy vào khả năng học tập của mỗi em, phổ điểm sẽ rải ra đều chứ không phải tất cả cùng được 8 hay cùng được 9. Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - người có kinh nghiệm trong việc luyện giải toán cho học sinh giỏi, nhận định: Đề Toán năm nay rất khó đạt điểm 10, các học sinh có học lực trung bình đạt từ 5-6 điểm, các học sinh khá, giỏi từ 7-9 điểm. Với đề thi này, các trường tốp trên sẽ khó khăn trong việc chọn lựa thí sinh bởi ranh giới giữa học sinh khá và học sinh giỏi không thể rõ nét. Đa số học sinh khá giỏi sẽ không mấy khó khăn để đạt được điểm số từ 23-25 điểm. Trong đó, xác suất chọn ngẫu nhiên trúng đáp án của một số câu khó nhất trong đề để vượt qua điểm 9 không phải ít.
Điều chỉnh nguyện vọng khi cần thiết
Qua khảo sát tại các trường THCS và THPT, THPT trên địa bàn tỉnh, vì đề thi có đến 60% số câu hỏi ở mức độ cơ bản nhằm phục vụ mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, nên rất nhiều thí sinh lấy được hầu hết điểm từ các câu hỏi ở mức độ này. Còn để nhận định được điểm cao hay thấp, bây giờ là vội vàng, chưa có căn cứ. Vì năm nay, trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm nên chắc chắn thí sinh nào cũng làm hết bài. Còn làm đúng hay không lại là chuyện khác. Chính vì vậy, phải đợi đến ngày 7/7 khi Sở GD-ĐT chấm xong, nhìn vào phổ điểm chung mới biết được điểm năm nay thực sự thế nào.
Theo quy chế, năm nay thí sinh có nhiều nguyện vọng và còn được điều chỉnh nguyện vọng, không trúng tuyển nguyện vọng này thì trúng tuyển nguyện vọng khác nên việc điểm thấp hay cao không phải là vấn đề lớn. Theo các trường đại học, với cách lập ma trận đề thi như năm nay thì sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Tuy nhiên, điểm rất cao, đặc biệt là điểm tuyệt đối, chưa chắc sẽ nhiều, vì trong đề thi có những câu rất khó mà chỉ những thí sinh thật giỏi mới có thể làm được. Vì vậy, những trường đại học ở tốp trên sẽ có nguồn tuyển như họ mong muốn. Còn các trường tốp dưới cũng không phải lo không có nguồn tuyển. Điểm mấu chốt ở đây là Bộ GD-ĐT xác định điểm chuẩn năm nay liệu có tăng theo điểm thi?
Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, điểm sàn năm nay không thể quá chênh lệch so với năm trước và dù làm bài thi tốt hay không so với dự kiến, thí sinh cũng nên bình tĩnh phân tích trước khi điều chỉnh nguyện vọng. Các thí sinh đã đăng ký chuẩn rồi thì không cần phải điều chỉnh nữa. Ví dụ trước đây các em đã dự báo được 20 điểm thì đăng ký một vài nguyện vọng trên 20 điểm, một vài nguyện vọng 20 điểm và một vài nguyện vọng dưới 20 điểm. Khi có kết quả, nếu được 20 hoặc 20,5, thậm chí 19,5 thì thí sinh không phải điều chỉnh gì hết, vì nguyên tắc xét năm nay là xét theo điểm chứ không phải là theo nguyện vọng. Em A đăng ký nguyện vọng 10 vào một trường, em B đăng ký nguyện vọng 1 cũng vào trường đó, nhưng nếu em A điểm cao hơn em B thì em A vẫn trúng tuyển chứ không phải em B. Vì vậy, thí sinh hoàn toàn không phải điều chỉnh nguyện vọng trừ khi điểm của các em lệch quá xa so với dự kiến.
THÚY HẰNG