Mua bán, chuyển giao là hoạt động diễn ra ngày càng phổ biến trong xu thế đổi mới, phát triển. Trao đổi với Báo Phú Yên sau buổi tập huấn phổ biến Luật Chuyển giao công nghệ, kỹ năng lập, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ tại Phú Yên mới đây, ông Nguyễn Bảo Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học - Công nghệ) nói:
Ông Nguyễn Bảo Hùng. - Ảnh: MINH TRIẾT
Việc mua bán công nghệ thực chất là mua bán một tài sản vô hình (tài sản trí tuệ) thông qua các vật mang công nghệ nhằm biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm. Do vậy, mua bán công nghệ không phải là hoạt động mua bán thông thường trên thị trường truyền thống. Việc mua bán này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực công nghệ của hai bên, đặc biệt là của bên nhận. Thế nên, đôi khi bên nhận mất rất nhiều thời gian, tiền của, công sức nhưng chưa chắc đã có được công nghệ hoặc có công nghệ nhưng là công nghệ không đầy đủ.
* Ông có thể cho biết những cản trở trong giao dịch công nghệ?
- Việc mua bán, định giá công nghệ hết sức khó khăn, đòi hỏi bên mua phải có kiến thức, kinh nghiệm, nắm vững luật pháp chuyển giao công nghệ và đặc biệt là cần phải nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức dịch vụ tư vấn trong giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Một cản trở khác trong giao dịch công nghệ là cùng một lúc khó nhận biết được tất cả quyền của bên mua dưới các góc độ kỹ thuật, thương mại, pháp lý. Khi thực hiện thì những vấn đề về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ mới phát sinh dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Ngoài ra, một thể chế, hệ thống pháp luật không có đủ khả năng đảm bảo quyền thực thi về sở hữu trí tuệ thì khó có thể bảo vệ được quyền sở hữu hợp pháp cho cả bên giao và bên nhận công nghệ.
* Điều gì quan trọng trong quá trình lập, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, thưa ông?
Trong hai ngày 22 và 23/8, Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức lớp tập huấn phổ biến Luật Chuyển giao công nghệ - kỹ năng lập, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ dành cho hơn 100 học viên đại diện các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, phòng kinh tế các huyện, thành phố, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề, các trung tâm chuyên ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn Phú Yên. Các học viên được truyền đạt các nội dung về công nghệ, quản lý đổi mới công nghệ trong thời kỳ hội nhập WTO, các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, kỹ năng lập, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ.
-Cùng với kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật, bên giao phải cử các chuyên gia đến bên nhận hoặc bên nhận cử cán bộ, công nhân kỹ thuật sang bên giao để mục tiêu cuối cùng là bên nhận có được năng lực, kỹ năng sản xuất sản phẩm phù hợp với các đặc tính kỹ thuật như đã thoả thuận trong hợp đồng. Sau khi hoàn thành việc chuyển giao công nghệ thì cán bộ, công nhân kỹ thuật của bên nhận phải có được khả năng như người của bên giao để làm chủ được toàn bộ quá trình sản xuất. Điều này sẽ không thể có được nếu không có sự thoả thuận chi tiết và cụ thể về từng vấn đề liên quan như phạm vi, chương trình đào tạo; đối tượng, số lượng, chất lượng đào tạo; trình tự, thủ tục thay thế giáo viên, học viên…
Một hợp đồng được soạn thảo tốt cho phần đào tạo là được quy định rõ: Sau khi kết thúc đào tạo, người của bên nhận phải có khả năng tự sản xuất sản phẩm mà không cần đến sự giúp đỡ của bên giao. Hơn thế nữa, bên nhận muốn có cả kỹ năng, kinh nghiệm trong sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế, sửa đổi nhằm thực sự làm chủ được công nghệ. Một thực tế hiện nay là có rất ít bên giao chủ động cung cấp cho bên nhận một chương trình đào tạo tốt nhất trừ khi bên nhận phải xây dựng một kế hoạch cụ thể, rõ ràng với các chỉ tiêu đánh giá, kiểm tra và cuối cùng là vấn đề xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo.
* Vai trò của chuyển giao công nghệ đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được thể hiện như thế nào?
- Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sau khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại quốc tế, hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ càng trở nên cấp bách hơn trong sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Một loạt chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được ban hành cùng với chủ trương tạo môi trường thông thoáng, xoá bỏ mọi rào cản không cần thiết, tôn trọng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ chuyển giao công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện việc chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ.
* Xin cám ơn ông!
MINH TRIẾT (thực hiện)