Loại vật liệu này khi gặp nước có thể nở ra gấp 400 lần, giúp giữ ẩm cho những vùng đất khô hạn, đất cát hoặc trên đồi núi, nơi nước dễ trôi đi. Đây là lối thoát hữu ích cho những vùng đang khát của Việt Nam.
Một nhúm nhỏ bột AMS-1 có thể trương nở đầy một khay nước.
Sản phẩm có tên gọi AMS-1, do PGS Nguyễn Văn Khôi, Phòng vật liệu polymer, Viện Hoá học, Viện khoa học Việt Nam, phát triển.
Cỏ trồng trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), đoạn có sử dụng chế phẩm AMS-1.
Ước tính sau một trận mưa, do quá trình bay hơi chậm, đất bổ sung AMS-1 có thể giữ được nước lâu hơn 10-15 ngày so với đất không chứa AMS. Cũng do đặc tính trương nở, loại vật liệu này còn có tác dụng cải tạo đất thịt, đất sét, giúp cho việc thoát, lưu thông và giữ nước hợp lý. AMS-1 phát huy hiệu quả tốt nhất trên những vùng đất canh tác phải dùng nhiều nước tưới như đất trồng cà phê, bông, đất cát, đất trên các đồi núi thiếu thảm phủ thực vật…
Polymer siêu thấm cũng rất có ích trong việc trồng cây cảnh, là loại cây sống trong bồn, ít đất và không thông thoáng. Tiến sĩ Khôi cho biết AMS-1 có thể được bón cùng với phân vi lượng. Nó sẽ hút các chất dinh dưỡng và nhả dần ra cho cây trồng. Do đó, các chất này không bị thất thoát khi mưa xuống, giúp tiết kiệm phân và làm tăng năng suất, đồng thời giảm được ảnh hưởng tới môi trường.
Cỏ trồng trên đường Hoàng Quốc Việt, đoạn không sử dụng AMS-1.
Ngoài khả năng hấp thụ nước, AMS-1 cũng hút nước muối sinh lý, nước tiểu, máu và các dung dịch khác. Do đó, nó còn có thể được dùng trong sản xuất tã lót thấm cho trẻ em, băng vệ sinh phụ nữ, tác nhân làm đặc…
Theo tiến sĩ Khôi, AMS-1 là chất có khả năng phân huỷ sinh học, nên không hề gây hại đến môi trường. Nó có thể phát huy tác dụng trữ nước trong 2 năm, và phân huỷ sau khoảng 3-4 năm. Để giữ ẩm cho một ha đất canh tác, cần bón 25 kg polymer siêu thấm như vậy, với giá 20.000 đồng/kg, bằng nửa so với giá của sản phẩm ngoại nhập.
Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã cung cấp sản phẩm cho công ty bông Đồng Nai. Tuy nhiên, tiến sĩ Khôi cho biết ông muốn sớm chuyển giao công nghệ của công trình này, để có thể tập trung vào việc nghiên cứu. Hiện tại, việc sản xuất ở Viện hoá học chỉ là thí điểm và không thể mở rộng trên quy mô lớn.
Liên hệ: Phó giáo sư Nguyễn Văn Khôi; Điện thoại : 04 - 7560909, Fax : 04 - 7567955 ; Email : vlpolyme@ich.ncst.ac.vn
Theo VNE