Thủy ngân là kim loại nặng, rất độc hại. Nếu phát thải ra môi trường, sẽ nguy hại tới cây trồng, vật nuôi, nguồn nước. Đặc biệt, nó có thể xâm nhập vào cơ thể người gây hại cho hệ thần kinh, nặng hơn là gây bệnh về máu, tủy... Thế nhưng, ít ai biết rằng, mỗi bóng đèn compact đều có một hàm lượng thủy ngân nhất định, có thể nguy hại đến môi trường và sức khỏe...
NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐANG THIẾU THÔNG TIN
Một kiểu đèn compact
Ông Hoàng Dương Thanh, chuyên viên của Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công nghiệp đã khẳng định, hiện nay, hàm lượng thủy ngân trung bình trong mỗi sản phẩm đèn huỳnh quang và đèn compact là 5mg, là chất xúc tác phát quang. Ở các nước, việc sử dụng thủy ngân trong các bóng đèn này là kỹ thuật phổ biến. Tại Việt
Trước thông tin này, Tiến sĩ Lê Văn Cát - Viện Hóa học đã nhấn mạnh: “thủy ngân là kim loại nặng, rất độc hại. Nếu phát thải ra môi trường, sẽ nguy hại tới cây trồng, vật nuôi, nguồn nước. Đặc biệt, nó có thể xâm nhập vào cơ thể người gây hại cho hệ thần kinh, nặng hơn là gây bệnh về máu, tủy. Chính vì vậy, những người trong ngành vẫn truyền miệng nhau “không nên đập vỡ bóng đèn, hoặc nếu làm vỡ, hãy bịt mặt khi thu gom, tránh hít ngửi phải hơi thủy ngân”. Thế nhưng, người tiêu dùng đang “mù tịt” thông tin quan trọng trên. Không ít người đã tỏ ra ngạc nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề này! Chủ một cửa hàng bán đồ điện cho biết: “Tôi hoàn toàn không biết bóng đèn compact có chứa thủy ngân. Khi bóng bị vỡ, chúng tôi chỉ gom nhặt, rồi bỏ vào thùng rác bình thường”.
Chủ cửa hàng đồ điện dân dụng lắc đầu và bày tỏ sự lo ngại: “Tôi bán hàng đồ điện này tới 12 năm, nhưng chưa bao giờ thấy nhà sản xuất nào cho biết như vậy. Trong khi đó, loại đèn này cũng dễ vỡ vì vỏ thủy tinh mỏng, dễ hỏng mạch bán dẫn khi điện áp không ổn định”.
Bà Hạnh Sâm, Phó Trưởng ban Truyền thông, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, phụ trách Chương trình tuyên truyền tiết kiệm năng lượng và hiệu quả tới các hộ gia đình cũng thừa nhận: “Chúng tôi không biết thông tin này. Chương trình chú trọng nâng cao nhận thức về hiệu quả tiết kiệm, chứ không hướng dẫn người dân về việc xử lý, phân loại bóng đèn như một loại rác thải đặc biệt”. Điều đáng lưu ý là do thiếu kinh nghiệm khi sử dụng đèn tiết kiệm, số đèn compact bị hỏng, bị vỡ, thải ra môi trường hiện nay không phải là ít. Có thể hiểu, lượng thủy ngân trong các sản phẩm này đã phát thải ra không khí, hoặc được xử lý trong các hố chôn rác thông thường.
CƠ QUAN QUẢN LÝ CÒN THỜ Ơ
Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã quy định, nhà sản xuất cần ghi rõ khuyến cáo nếu trong sản phẩm có chứa chất độc hại. Tương lai vài năm tới, Việt Nam có 40 triệu bóng đèn huỳnh quang và đèn compact đưa vào sử dụng, nếu không được xử lý đúng cách khi bị hỏng thì việc nguy hại tới sức khỏe con người và môi trường, thiết nghĩ, không còn là “sự lo xa” của một vài vị đứng đầu các cơ quan quản lý hiện nay.
Đưa ra sự quan ngại này, ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp đã tỏ vẻ không hài lòng: “Nếu bảo đèn chứa thủy ngân là có hại thì đó là thông tin nhiễu. Loại đèn nào cũng có thủy ngân, không nên quan trọng hóa vấn đề như vậy”.
Các chuyên viên của vụ này chỉ lưu ý thêm, nếu thấy cần thiết, Bộ Tài nguyên Môi trường nên có hướng dẫn cụ thể tới các nhà sản xuất, chứ không thể bắt các nhà sản xuất tự công bố thông tin, ảnh hưởng đến kinh doanh. Việc thu gom các rác thải có nguy hại cũng là trách nhiệm của bộ này.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường thì hứa hẹn: “Đây là vấn đề mới, nhưng hiện Cục chưa có thông tin chính xác về việc này. Nếu có tài liệu chính thức công bố việc này, đề nghị báo chuyển tới, chúng tôi sẽ bàn bạc với các chuyên viên để nghiên cứu, thu gom, xử lý. Tới lúc đó, Cục mới có trả lời chính thức về việc này”.
Trên thực tế, những loại sản phẩm có chứa chất độc hại tương đương như ắc qui hay pin có chì, thủy ngân thì hầu hết người dân Việt Nam đều biết rất rõ. Bao bì các loại ắc qui và pin sạc đều có ký hiệu, chú thích rõ ràng, khuyến cáo không được vứt sản phẩm bừa bãi... vào thùng rác chung như rác sinh hoạt. Trong khi đó, các nhà sản xuất đèn compact hiện nay đều chỉ tập trung quảng cáo trên bao bì sản phẩm về tính năng siêu tiết kiệm. Hướng dẫn sử dụng của các nhà sản xuất nêu cụ thể như “không nên lắp đặt đèn ở vị trí có nước rơi xuống đèn, tránh lắp đèn gần nơi đun nấu; Nên tắt đèn càng sớm càng tốt khi có sét...” song chỉ nhằm mục đích đảm bảo độ bền của sản phẩm. Tuyệt nhiên, không một nhà sản xuất nào nói rõ về việc xử lý đèn khi hết hạn dùng hoặc bị hỏng, nhằm phòng tránh sự phát thải của thủy ngân, bảo vệ sức khỏe và môi trường!
Một chủ cửa hàng bán đồ điện bày tỏ: “Người tiêu dùng có quyền được biết thông tin đầy đủ, đảm bảo an toàn cho chính mình”.
(ANTG)