Để hình ảnh trên chiếc tivi (TV) có chất lượng thật sự tốt, người ta đã phải đầu tư hàng loạt những thiết bị kỹ thuật, qua nhiều khâu xử lý hết sức phức tạp. Tất cả các khâu ấy liên quan nhau như những mắc xích liên hoàn.
Chiếc anten của máy thu hình là một mắc xích rất quan trọng. Không phải anten đắt tiền lúc nào cũng cho hình ảnh tốt, mà nó đòi hỏi phải sử dụng đúng chủng loại, lắp đặt đúng quy cách. Nếu không, sẽ ảnh hưởng xấu rất nhiều đến chất lượng hình ảnh. Một trong những hiện tượng làm giảm chất lượng hình ảnh và rất thường gặp trong thực tế là hiện tượng xuất hiện bóng ma. Hiện tượng này rất thường gặp ở thành phố, nơi gần đài phát sóng.
Từ “bóng ma” là một thuật ngữ thường được sử dụng trong kỹ thuật. Ngoài hình ảnh chính do trung tâm truyền hình phát đi, bên cạnh đó còn xuất hiện thêm một (hoặc nhiều) hình mờ hơn theo chiều ngang của màng hình TV. Thường bóng ma khá gần với hình ảnh chính, nên ta khó phân biệt rõ ràng mà chỉ thấy hình ảnh bị nhoè ra, mất nét mà thôi. Sau đây là những nguyên nhân và cách xử lý để khắc phục hiện tượng trên.
XUẤT HIỆN BÓNG MA DO PHỐI HỢP SAI TRỞ KHÁNG ANTEN
Trường hợp này ta phải kiểm tra như sau:
Đối với loại dây anten song hành (loại có hai dây điện chạy song song, rất thường dùng), có thể mắc một trong các lỗi sau:
- Dây anten bị đứt, hoặc trên đường đi của dây anten bị cột ép sát vào những vật dẫn điện như mái tôn, ống nước kim loại; Dây anten bị cuộn tròn thành khoanh tròn; chấp nối dây anten bằng những loại dây khác không cùng chủng loại.
Khắc phục: Dây anten bị đứt thì nối lại; tháo dây anten ra khỏi các vật dẫn điện; cắt ngắn dây anten, không bó thành khoanh. Muốn nối dài dây anten thì phải dùng đúng loại dây cũ.
- Biến áp ba-lun hay gọi là ngù anten (là linh kiện có kích thước bằng ngón tay cái, thường có màu đen, một đầu nối với dây anten và đầu kia gắn vào TV) bị đứt.
Khắc phục: Cạy nắp nhựa ngù kiểm tra các đầu dây. Nếu thấy bị đứt thì hàn chì lại, nhất thiết không được cột.
- Phối hợp trở kháng anten sai do lắp đặt không đúng cũng tạo ra bóng ma. Đây là một vấn đề khá phức tạp, nhưng nếu anten TV nhà bạn sử dụng các loại mẫu anten thông thường mà người ta vẫn thường dùng, bạn không tự ý “sáng tạo” thêm một chi tiết gì “mới” thì bạn có thể an tâm, TV nhà bạn không rơi vào trường hợp này.
XUẤT HIỆN BÓNG MA DO PHẢN XẠ TỪ CHƯỚNG NGẠI VẬT
Khi trung tâm truyền hình phát đi sóng mang tín hiệu, máy thu hình sẽ thu được một hình ảnh tương ứng lần thứ nhất. Sóng truyền hình mang tín hiệu này vẫn tiếp tục truyền trong không gian, gặp chướng ngại vật bị phản xạ ngược trở lại. Máy thu hình lại thu được tín hiệu hình lần thứ hai, vì vậy hiện tượng này sẽ tạo ra bóng ma. Có hai trường hợp thường gặp:
- Thông thường anten TV đặt trong nhà rất dễ gặp hiện tượng này. Hiện tượng này cũng có thể hiểu tương tự như khi nghe âm thanh trong nhà: Chúng ta vừa nghe âm thanh trực tiếp, vừa nghe âm thanh phản xạ từ các vách, nên âm thanh nghe trong nhà thường bị tiếng vang. Anten TV đặt trong nhà cũng xảy ra hiện tượng tương tự, đặc biệt là nhà bê tông cốt thép. Sóng bị “lùng tung, lúng túng” trong nhà làm cho hình ảnh bị nhoè, mất nét.
Khắc phục: Nên dời anten đến các vị trí khác nhau trong nhà và thử kiểm tra tất cả các kênh, vì mỗi kênh có sự phản xạ khác nhau. Nếu thử bằng cách như trên không được thì tốt nhất là kéo anten đặt ra ngoài, trên mái nhà. Khoảng cách từ mái nhà đến anten tối thiểu là 1,5m.
- Sóng truyền hình bị phản xạ từ chướng ngại vật ở phía sau anten như toà nhà cao tầng, núi v.v… cũng tạo ra “bóng ma”. Khoảng cách giữa hình ảnh chính và bóng ma phụ thuộc vào khoảng cách từ anten đến chướng ngại vật.
Khắc phục: Nên dùng loại anten yaghi (xương cá), mà phần tử phản xạ làm bằng lưới kim loại hoặc một giàn phản xạ (gồm nhiều thanh nằm phía sau cùng của anten). Mục đích là ngăn không cho sóng phản xạ đến với anten thu lần thứ hai, anten chỉ có thể thu hình theo một hướng duy nhất. Do vậy, anten sẽ không thu được sóng phản xạ từ chướng ngại vật và do đó bóng ma sẽ không còn hoặc yếu đi rất nhiều.
Thông thường nhiều người cho rằng, trong khu vực gần đài phát, sóng truyền hình mạnh nên việc đưa anten ra ngoài là không cần thiết. Suy nghĩ như vậy không phải lúc nào cũng đúng.
KS ĐINH VĂN HÙNG