Khi lưu lượng giao thông lớn, xe chạy với tốc độ cao, nhất là trên các đường cao tốc, các đường cấp cao thì lực bám giữa bánh xe với mặt đường là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông.
Nhiều nước đã thống kê tai nạn giao thông do độ nhám (sức kháng trượt) của mặt đường không đủ, chiếm từ 15 đến 20% tổng số tai nạn.
Thi công thử nghiệm lớp phủ mỏng có độ nhám cao tại đoạn đường cao tốc Hà nội – Cầu giẽ năm 2001
Ở nước ta trước kia vấn đề này chưa được quan tâm đến. Trong những năm gần đây giao thông đường bộ trong nước phát triển mạnh; nhiều đường đã được thiết kế với tốc độ 80 km/ giờ, một số đường với tốc độ 100 – 120 km/ giờ; các đường cao tốc có quy mô lớn bắt đầu được xây dựng. Các nhà tư vấn thiết kế, các chủ đầu tư đã đặc biệt chú ý đến vấn đề đảm bảo một mặt đường không những đủ cường độ chịu lực, bằng phẳng mà còn phải có độ nhám cao để đảm bảo xe chạy an toàn trong mọi điều kiện thời tiết.
Có nhiều biện pháp để tăng độ nhám, sức kháng trượt của mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng. Chọn lựa cách nào là tùy vào mức độ quan trọng của con đường, điều kiện vật liệu, trình độ công nghệ và thiết bị có sẵn…
Trong mươi mười lăm năm gần đây, nhiều nước đã dùng một lớp phủ tạo nhám mỏng, rất mỏng hoặc cực mỏng bằng bê tông nhựa có hỗn hợp cốt liệu gián đoạn, với độ rỗng khá lớn ( 12 đến 15%), độ chịu bào mòn cao và dùng chất dính kết là nhựa bitum cải tiến bằng polime.
Thực tế sử dụng hàng trăm triệu mét vuông lớp phủ mỏng này ở các nước cho thấy chất lượng rất tốt, bảo đảm độ bám của bánh xe với mặt đường trong thời gian dài ( 6 – 8 năm) và hiệu quả kinh tế tính theo chi phí cả vòng đời của lớp tạo nhám khá cao.
Trên những đoạn đường thí nghiệm ở nước ta, lớp phủ tạo nhám bằng bê tông nhựa polime cũng cho kết quả tương tự.
Gần đây Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quy trình Công nghệ thi công và nghiệm thu lớp phủ mỏng bê tông nhựa có độ nhám cao (22TCN345-06). Đây là văn bản pháp lý giúp cho các nhà tư vấn thiết kế, các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công có thể áp dụng có kết quả lớp phủ tạo nhám trên các quốc lộ quan trọng và đường cao tốc.
Các nhà máy chế tạo nhựa bitum cải thiện bằng polime cũng đã được xây dựng và sản xuất (ở Cửa lò, Hố Nai, Đồng Nai, Gò Dầu…), có thể đáp ứng nhu cầu sắp tới trong xây dựng đường ở nước ta.
Một điều quan trọng cần chú ý là lớp phủ tạo nhám làm bằng hỗn hợp bê tông nhựa có độ rỗng lớn và mỏng (khoảng 2 – 3 cm) nên chịu tác động của nước nhiều hơn các loại bê tông nhựa chặt thông thường.
Chỉ có dùng nhựa bitum cải thiện bằng polime ( hoặc nhựa cải thiện bằng các hóa chất thích hợp khác) thì mới giữ cho màng nhựa không bong khỏi hạt cốt liệu đá khi bị nước tác dụng.
Đặc biệt, nhựa bitum polime chịu được nhiệt độ cao, dù vào mùa hè nhiệt độ mặt đường có lên tới 60 – 65oC cũng không sợ lớp phủ mỏng tạo nhám bị biến dạng, làn sóng, chảy nhựa.
Chi phí đầu tư ban đầu của lớp phủ mỏng tạo nhám có cao hơn lớp phủ bằng bê tông nhựa thông thường, nhưng như đã nói ở trên, chi phí cả vòng đời của nó lại thấp hơn và chất lượng tạo nhám lại tốt hơn gấp bội.
Hơn nữa, với những thiết bị máy móc sẵn có trong nước hiện nay là có thể tổ chức thi công rộng rãi lớp tạo nhám cao này, mà không cần phải đầu tư mua sắm thêm.
Hy vọng rằng trên những quốc lộ quan trọng và mạng lưới đường cao tốc sắp xây dựng sẽ sử dụng rộng rãi và có hiệu quả lớp phủ mỏng tạo nhám cao bằng bê tông nhựa polime để góp phần nâng cao chất lượng của đường và nhất là để bảo đảm an toàn giao thông.
Theo GS. Trần Đình - TPO