Thứ Ba, 25/02/2025 11:02 SA
Xử lý nước thải nuôi tôm bằng phương pháp sinh học:
Cách nuôi tôm hiệu quả và bền vững
Chủ Nhật, 17/06/2007 08:00 SA

Một số dự án của chương trình đa dạng sinh học do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF)  triển khai tại Việt Nam đã được thực hiện. Trong đó, dự án “Góp phần bảo vệ môi trường và đa dạng hóa sinh học vùng ven biển tỉnh Phú Yên thông qua việc xây dựng mô hình xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm thâm canh bằng phương pháp sinh học” do GEF hỗ trợ Phú Yên thực hiện bước đầu được đánh giá đạt hiệu quả cả về bảo vệ môi trường và kinh tế.

 

070615-gef.jpg

Kiểm tra thực tế mô hình tại xã Hòa Tâm (Đông Hòa)   Ảnh: LY KHA

 

Vốn đối ứng của tỉnh trong dự án thông qua đề tài khoa học cùng tên do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Phú Yên (LHH PY) chủ trì. Đề tài chỉ mới được triển khai từ tháng 7/2005 đến nay, song hiệu quả bước đầu đã được đánh giá khá cao. Trong khi môi trường của các khu vực nuôi tôm sú trong tỉnh đang bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường chung, gây thiệt hại về kinh tế, thì tại xã Xuân Lộc (huyện Sông Cầu) và Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), 8 hộ dân tham gia đề tài trên diện tích 5,55 ha đều có lãi. Hơn thế, khả năng bảo vệ được môi trường trong sạch, bền vững là rất cao.

 

Đề tài được thực hiện với hai mô hình xử lý môi trường bằng hai phương pháp. Ở mô hình thứ nhất, người nuôi tôm chia diện tích nuôi trước đây ra làm hai phần, một phần nuôi tôm và một phần dành để xử lý nước. Ở diện tích xử lý nước, họ xây dựng hai ô nuôi cá rô phi và nuôi rong bản địa. Mô hình thứ hai là tạo lồng nuôi cá rô phi ngay trong hồ nuôi tôm để tiêu thụ chất thải tồn dư.

 

Thực tế lâu nay, tồn dư chất thải trong hồ tôm sú sản sinh ra lượng khí thải Cacbonat lớn. Lượng khí này lưu thông trong nước trong suốt quá trình nuôi hoặc thải ra bên ngoài và đi vào các hồ khác. Cùng với bã chất thải, khí cacbonat làm ô nhiễm môi trường. Vụ tôm năm 2006, hơn 90% diện tích tôm nuôi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch đã bị mất trắng. Riêng đồng tôm của ông Lê Thanh Hải tại thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) nhờ áp dụng xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đã thu lãi được 50 triệu đồng. Đồng tôm của ông Hải có diện tích 10.000m2, mọi năm ông thả tôm trên toàn bộ diện tích. Mấy năm đầu vì môi trường còn sạch nên nuôi tôm có lãi, gần đây thì liên tục thất bại. Năm 2006, ông chỉ thả tôm trên 6.000m2; 4.000m2 còn lại được ông ngăn hẳn bằng một bờ lớn và chia làm đôi, phân nửa thả cá rô phi đơn tính, phần còn lại thả rong đuôi chồn và rong cây. Ông phấn khởi cho biết: “Số lãi trên là chưa tính rong và cá. Rong dùng để nuôi vịt, cá thì mới nuôi lần đầu nên chỉ dùng để biếu khách đến tham quan mô hình cho vui”.

 

Anh Đỗ Tấn Thành, chuyên gia phụ trách đề tài, cho biết: “Nước từ hồ tôm được bơm sục qua hồ cá rô phi, cá sẽ ăn phân và chất thải của tôm. Sau đó, nước được đưa qua hồ rong, các chất độc trong nước được rong hấp thu. Nước sạch được đưa lại hồ tôm. Nếu lấy nước từ bên ngoài vào thì cũng cho qua hồ cá, rong rồi mới vào tôm, nước được lọc sạch hoàn toàn bằng sinh học”. Theo ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch LHH PY, chủ nhiệm đề tài, thì mô hình thứ nhất mang lại hiệu quả cao hơn mô hình thứ hai, vì chỉ làm lồng thả cá tại những nơi có chất thải lắng ở đáy hồ thì xử lý không triệt để.

 

Tại xã Xuân Lộc huyện Sông Cầu, loại rong được dùng để hấp thu chất thải là rau câu. Ông Trương Công Khoa, một người nuôi tôm sú tại xã Xuân Lộc, áp dụng mô hình trên đã đạt năng suất tôm kỷ lục: 3,6 tấn/ha! Trong 0,9 ha của ông, sau 125 ngày nuôi đã thu được 1,78 tấn tôm, 0,85 tấn rau câu và 0,51 tấn cá. Cả ông Khoa và ông Hải đều áp dụng lại mô hình này cho đồng tôm của  mình “vì cách sản xuất này đảm bảo an toàn và bền vững”. Anh Đỗ Tấn Thành cho hay, vì độ mặn ở vùng nuôi Sông Cầu lớn hơn nên rau câu phát triển tốt. Còn các vùng hạ lưu sông có độ mặn thông thường ở ngưỡng 5 - 60/00 thích hợp với rong đuôi chồn và rong cây.

 

Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên Hồ Văn Tùng khẳng định: Đề tài này đã có kết quả bước đầu rất tốt. Nếu triển khai nhân rộng hơn nữa sẽ có tác động tích cực rất lớn đến đời sống của người dân nuôi tôm ở các vùng trong tỉnh, nhất là trong bối cảnh cần hạn chế tồn dư thuốc kháng sinh trong tôm khi xuất khẩu và tình hình dịch bệnh tôm chưa được ngăn chặn hiệu quả như hiện nay.

 

LY KHA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek