Hiện nay, tỉ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có việc làm tương đối cao; đào tạo nghề đang là hướng mở giúp các bạn trẻ đến với thành công.
Có việc làm sau khi tốt nghiệp
Trường cao đẳng Nghề Phú Yên vừa tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2021 cho hơn 200 HSSV với các nghề như Kiểm nghiệm lương thực thực phẩm, Chế tạo thiết bị cơ khí, Quản trị khách sạn, Công nghệ ô tô, May thời trang, Điện công nghiệp, Vận hành - sửa chữa thiết bị lạnh…
Theo thống kê của trường này, hơn 95% HSSV đã tìm được việc làm ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp.
Em Phạm Quốc Khánh ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) cho biết: “Em đã đi làm hơn một tháng rồi tại một cơ sở chế tạo thiết bị cơ khí ở Bình Dương với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng”. Còn em Trần Thu Trang ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) phấn khởi cho hay: “Em học may thời trang và đã đi làm tại xí nghiệp An Hưng”.
Trao đổi về vấn đề việc làm của HSSV, TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cho hay: Trong quá trình đào tạo, nhà trường đã chủ động, tích cực liên kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc đưa HSSV đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp nên ngay sau khi tốt nghiệp, hơn 95% HSSV đã tìm được việc làm.
Cùng quan điểm này, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, chia sẻ: Học nghề vẫn chưa thực sự là con đường hấp dẫn dành cho học sinh THCS, THPT. Vì vậy, để thu hút người học, nhà trường luôn xem việc đảm bảo chất lượng đầu ra cũng như việc làm cho người học là yếu tố then chốt.
Bên cạnh ký cam kết việc làm, đào tạo khởi nghiệp cho HSSV, cứ đến trước ngày thi tốt nghiệp, lãnh đạo nhà trường, các khoa phòng sẽ đối thoại trực tiếp với HSSV, qua đó nắm tình hình việc làm của các em để có hướng hỗ trợ, đảm bảo việc làm cho người học.
Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
Hoạt động tuyển sinh đối với hệ thống GDNN thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào thời điểm sau khi học sinh cuối bậc THCS, THPT tốt nghiệp. Đối với các cơ sở GDNN, 2021 là năm quan trọng khi các trường bắt đầu kết hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên giảng dạy chương trình văn hóa cho các em đã tốt nghiệp THCS.
Đây là đối tượng được nhiều cơ sở GDNN “để mắt” tới nhằm hướng nghiệp cho các em khi còn là học sinh. Điều này cũng giúp các em đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT, nhằm có thể liên thông lên đại học sau này.
Để đảm bảo chất lượng, các cơ sở đào tạo GDNN xác định tiếp tục liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Điều này nhằm bảo đảm được chất lượng đầu ra cũng như việc làm cho sinh viên.
“Nhà trường phải hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng như thế nào, yêu cầu về nhân lực ra sao… Qua đó, trường sẽ chủ động thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo, bổ sung những nội dung mà trước đó nhà trường chưa có”, TS Trần Kim Quyên nói.
Còn TS Đặng Văn Lái thì nhấn mạnh: Doanh nghiệp tham gia tư vấn, góp ý chương trình đào tạo không chỉ giúp nhà trường xác định được mình cần tập trung đào tạo cái gì, mà còn giúp trường nắm bắt số lượng, nơi làm việc cũng như thu nhập của HSSV sau tốt nghiệp, làm cơ sở để mở ngành và thu hút tuyển sinh các khóa sau.
Theo các cơ sở GDNN, hiện tỉ lệ HSSV tốt nghiệp các cơ sở GDNN có việc làm tương đối cao; đào tạo nghề đang là hướng mở giúp các bạn trẻ đến với thành công. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các cơ sở GDNN, người lao động cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức mới - kỹ năng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bởi với công nghiệp 4.0, thị trường việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm.
Hiện tỉ lệ HSSV tốt nghiệp các cơ sở GDNN có việc làm tương đối cao; đào tạo nghề đang là hướng mở giúp các bạn trẻ đến với thành công. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các cơ sở GDNN, người lao động cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức mới - kỹ năng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. |
THÚY HẰNG