Mùa tuyển sinh năm 2021 mới chỉ bắt đầu bằng việc các trường nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 bằng phương thức xét học bạ THPT. Ghi nhận ban đầu ở nhiều trường cho thấy, tuy số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa nhiều, nhưng ngành nghề mà thí sinh chọn vẫn tập trung ở các ngành hot.
Ưu tiên chọn ngành hot
Trường có số lượng hồ sơ cao nhất hiện nay sau hơn 1 tháng thu nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT là Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, với hơn 1.500 hồ sơ. Những ngành có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều là Quản trị kinh doanh 253 hồ sơ, Marketing 230 hồ sơ, Kinh doanh quốc tế 195 hồ sơ, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng 187 hồ sơ.
Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt đầu tới ngày 25/4. Theo đánh giá sơ bộ của trường này, hồ sơ nộp về chủ yếu vẫn ở các ngành thuộc thế mạnh của trường như: Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Quản trị du lịch lữ hành và khách sạn.
Tương tự, tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành, sau hơn 1 tháng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ, số hồ sơ nộp về lác đác, nhưng cũng thể hiện rõ xu hướng chung của thí sinh là chọn ngành học thời thượng như nhóm ngành Y, Dược, Quản trị kinh doanh, Marketing, Quản trị khách sạn, Thương mại điện tử.
Tại Phú Yên, hai trường đại học Xây dựng Miền Trung và đại học Phú Yên, lượng hồ sơ nhận được với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào những ngành có thế mạnh của mỗi trường, như Kỹ thuật xây dựng (Trường đại học Xây dựng Miền Trung), Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học (Trường đại học Phú Yên).
Nhìn vào nhóm ngành nghề mà thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường rõ ràng không có nhiều thay đổi. Nhóm ngành kinh tế, dịch vụ cùng một số ngành đón đầu xu thế công nghệ, kỹ thuật vẫn chiếm ưu thế. Theo các trường, hiện mới là giai đoạn bắt đầu của mùa tuyển sinh nên việc thí sinh còn dè chừng, cân nhắc trong chọn ngành, chọn trường là cần thiết.
Chọn đúng ngành học ngay từ đầu
Thời gian gần đây, việc hàng loạt trường đại học ưu tiên chỉ tiêu và mở thêm nhóm ngành kinh tế, công nghệ kỹ thuật, dịch vụ, sức khỏe là nhằm bắt kịp đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Điều đó làm phong phú thêm sự lựa chọn và cơ hội nghề nghiệp cho thí sinh.
Theo nhìn nhận của TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh thì ngành hot, thời thượng, trường top đầu là những tiêu chí quan trọng mà tất cả thí sinh sẽ lưu tâm và chọn lựa để đăng ký xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, không phải lúc nào những lựa chọn ngành học hot, thời thượng cũng đúng đắn nếu như nó không thực sự phù hợp với khả năng, đam mê và học lực của từng thí sinh.
Trước xu hướng tuyển sinh mang hơi thở của thời đại 4.0 với nhiều ngành nghề mới xuất hiện, các chuyên gia tư vấn khuyên phụ huynh nên có định hướng nghề nghiệp cho con cái nhưng cũng phải lắng nghe điều các con mong muốn; khuyến khích các con đăng ký xét tuyển dựa trên sở trường, đam mê và phù hợp với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình…
“Các em cần bình tĩnh, không nên “chạy theo” những ngành được cho là hot, thời thượng bởi không có gì là bất biến. Tôi cho rằng, quan trọng nhất, các em nên tự đánh giá năng lực của bản thân. Mình có sở trường gì, thích hợp ngành nghề nào, năng lực học tập của mình đến đâu, điều kiện kinh tế gia đình thế nào… Đó là những yếu tố mà các em cần tính đến khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển”, ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin Truyền thông, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Bộ GD-ĐT đã đưa ra các ngành nghề theo lĩnh vực. Vậy nên khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em nên chọn theo nhóm ngành. Theo ThS Phùng Quán, thực tế ngành học và trường học không “kén” thí sinh mà thí sinh “kén” ngành học. Nhiều em không biết, hoặc không tìm hiểu kỹ về ngành nghề dẫn đến tình trạng bỏ qua những ngành nghề phù hợp với mình, điều đó cũng có nghĩa là các em bỏ qua cơ hội việc làm của mình sau này.
Theo ThS Phùng Quán, thực tế ngành học và trường học không “kén” thí sinh mà thí sinh “kén” ngành học. Nhiều em không biết, hoặc không tìm hiểu kỹ về ngành nghề dẫn đến tình trạng bỏ qua những ngành nghề phù hợp với mình, điều đó cũng có nghĩa là các em bỏ qua cơ hội việc làm của mình sau này. |
THÚY HẰNG