Thực hiện cơ chế tự chủ, từ năm học 2020-2021, nhiều trường đại học bất ngờ tăng học phí. Vậy nên, mùa tư vấn tuyển sinh năm nay, rất nhiều học sinh quan tâm đến vấn đề “nóng” này.
Học phí tăng
“Năm 2020, học phí các trường đại học tăng mạnh. Vậy năm nay thì sao? Em dự định xét tuyển vào Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nên em muốn hỏi học phí của trường này bao nhiêu?”, Trần Mạnh Hùng, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ hỏi ban tư vấn.
Trả lời chung về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng thực hiện cơ chế tự chủ nên các trường đại học tăng học phí là điều không tránh khỏi. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phải công bố 3 công khai trên website: Cơ sở vật chất, học phí, chương trình đào tạo. Do đó, các em có thể xem mức học phí trên website từng trường. Riêng với Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo của trường này thông tin, bắt đầu từ thời điểm tuyển sinh năm 2021, nhà trường xác định mức học phí mới.
Cụ thể, chương trình đào tạo đại trà sẽ có mức học phí 25 triệu đồng/sinh viên/năm, tăng gấp đôi so với năm 2020. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật ở mức 50 triệu đồng/sinh viên/năm. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng/sinh viên/năm. Hai chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ tăng 10% so với hiện tại. Giải thích về sự thay đổi học phí, ông Thắng cho biết từ năm học tới, nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Với đề án đổi mới cơ chế hoạt động, sự tác động lớn nhất với người học là chính sách học phí cho sinh viên trúng tuyển năm 2021.
Một trong những yếu tố khiến các thí sinh cân nhắc trong việc nộp hồ sơ là mức học phí mà các trường đưa ra. Còn nhớ kỳ tuyển sinh năm 2020, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh bất ngờ tăng học phí ở mức rất cao khiến nhiều học sinh nghèo học giỏi trên địa bàn tỉnh không dám tham gia xét tuyển vì… sợ gia đình không “gánh” nổi học phí.
Năm nay, nhiều em cũng “né” trường này nên tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021, dù PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh sẵn sàng tư vấn chuyên sâu cho những em quan tâm đến các ngành học của trường nhưng số học sinh tham gia tư vấn không còn nhiều như những năm trước đây.
Chọn trường dựa vào… học phí
Theo đề án tuyển sinh năm học 2021-2022 mà các trường đại học công bố cho thấy, mức học phí được điều chỉnh theo hướng tăng, có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường đại học công lập, ngoài công lập và giữa các ngành trong cùng một trường. Nhiều trường còn đưa ra mức học phí riêng cho từng ngành. Điều này tác động không nhỏ tới việc chọn trường của học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Em Phạm Bảo Nam, học sinh Trường THPT Lê Thành Phương chia sẻ: “Ba mẹ làm nông, thu nhập bếp bênh nên em rất lo trước vấn đề tăng học phí của các trường. Em đang “sàng lọc” học phí của các trường để có thể chọn được trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mình”.
Cùng nỗi lo này, chị Dương Thị Hạnh ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) có con chuẩn bị tham gia xét tuyển đại học năm nay bày tỏ: “Không biết với thu nhập ít ỏi từ việc buôn bán nhỏ, làm phụ hồ của vợ chồng tôi thì có đủ sức vừa lo học phí, vừa lo chi phí sinh hoạt 4-5 năm nếu con đậu đại học”. Chị tâm sự sẽ phải cân nhắc, tư vấn cho con chuyển hướng sang nộp hồ sơ vào các trường có mức học phí phù hợp hoặc phải theo học hệ cao đẳng. Bởi hiện nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp cam kết đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Theo các chuyên gia tư vấn, trong bối cảnh nhiều trường tự chủ tăng học phí, người học nên cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để khi ra trường có thể nhanh chóng tìm việc làm; đồng thời tận dụng tối đa nguồn tín dụng dành cho học sinh, sinh viên. |
THÚY HẰNG