Việc lựa chọn ngành nghề vừa phù hợp với bản thân, vừa đáp ứng được nhu cầu xã hội đang được học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm trước thềm mỗi kỳ tuyển sinh. Để giúp các em hiểu rõ thế mạnh của mình, cũng như đưa ra lựa chọn chính xác con đường lập nghiệp sau này, trường đại học, cao đẳng phối hợp với các trường THPT trên địa bàn tỉnh đưa thông tin đến học sinh.
Đa dạng hóa phương pháp tư vấn, hướng nghiệp
Gần 1 tháng qua, cứ chủ nhật hàng tuần, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung lần lượt đón tiếp học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đến trải nghiệm công tác đào tạo của trường. Không chỉ tận mắt chứng kiến những ngành nghề mà các em quan tâm và xã hội đang cần tuyển dụng, học sinh còn đặt câu hỏi, trao đổi với các chuyên gia đào tạo nghề về xu hướng ngành nghề, chính sách tuyển dụng.
Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa) cho biết: Mục đích đưa học sinh lớp 12 đi trải nghiệm thực tế ở trường nghề là nhằm giúp các em hiểu hơn về lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Hơn nữa, với những học sinh hạn chế về học lực thì đây cũng là sự định hướng cho các em nên cân nhắc lựa chọn học nghề thay vì cố vào đại học rồi theo học không nổi.
Tương tự tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 vừa được Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, nhiều học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh có mặt. Tại chương trình, các thành viên tư vấn và học sinh cùng trao đổi, thảo luận về ngành, nghề để giúp các em có những hiểu biết cụ thể. Từ đó, các em sẽ đưa ra lựa chọn cuối cùng, chính xác nhất khi chọn ngành nghề tương lai.
Cũng nhằm mục đích đưa thông tin tuyển sinh đến học sinh, nhưng Trường đại học Phú Yên có cách làm khác khi lần đầu tiên trường này tổ chức hội nghị truyền thông - tuyển sinh năm 2021 với sự tham dự của lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiệu trưởng và cán bộ làm công tác tư vấn hướng nghiệp của hơn 30 trường THPT trên địa bàn tỉnh.
TS Nguyễn Định, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Phú Yên, nói: Thông qua hội nghị truyền thông và tuyển sinh này, nhà trường hy vọng khi thầy cô là người đồng hành trong tư vấn hướng nghiệp sẽ góp phần tích cực cho việc phân luồng, giúp các em sớm có định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Khi đồng hành cùng học sinh, các thầy cô sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em, qua đó sẽ trở thành người tư vấn chọn ngành, chọn trường được học sinh tin tưởng.
Hướng nghiệp gắn liền thực tế
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Ngọc Thư, hiện các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đều có tổ tư vấn hướng nghiệp, tư vấn học đường cho học sinh tại trường. Bố trí phòng tư vấn cho học sinh, tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường gắn với thực tiễn tại địa phương. Ngoài ra, để phân luồng học sinh, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã kết nối với các trường đại học, cao đẳng đưa học sinh đến trải nghiệm môi trường đào tạo, tìm hiểu về xu hướng ngành nghề, cơ hội việc làm… Đây được xem là những phương pháp hướng nghiệp hiệu quả của nhiều trường trung học trong thời gian qua nhằm giúp học sinh có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai.
Thầy Nguyễn Đức Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Sông Hinh), cho hay: Từ nhiều năm nay, các thầy cô giáo của trường đều xác định việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh là rất cần thiết, bởi học sinh của trường chúng tôi hầu hết là người dân tộc thiểu số.
Để giải tỏa băn khoăn cho các em, nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi chia sẻ những kỹ năng về lựa chọn ngành nghề; đồng thời tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, lắng nghe các em nói về ngành nghề yêu thích để đưa ra lời khuyên đầy đủ nhất. “Phần lớn các em có sức học bình thường, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vậy nên công tác hướng nghiệp của trường thường hướng tới các trường đại học ở địa phương hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để các em được học nghề và sớm có việc làm”, thầy Nam nói.
Là một trong những trường THPT có truyền thống học sinh học tốt, hàng năm, hơn 90% học sinh học tiếp lên đại học, một số nhỏ học nghề… nên công tác hướng nghiệp luôn được Trường THPT Lê Hồng Phong chú trọng. Cô Trần Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ngoài việc khảo sát năng khiếu, sở trường, ngành nghề yêu thích của học sinh, nhà trường còn mời chuyên gia tư vấn hướng nghiệp về trao đổi. Thậm chí, trong tiết ngoại khóa, hiệu trưởng trực tiếp trao đổi với học sinh những kinh nghiệm về nghề nghiệp, gợi mở sở thích, đam mê… giúp các em định hình và có quyết tâm theo đuổi nghề phù hợp bản thân.
Theo Sở GD-ĐT, thời gian tới, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường học sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Cụ thể, mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, nâng cao hiệu quả tư vấn hướng nghiệp cho học sinh bằng cách đa dạng hóa thông tin, mở rộng đối tượng học sinh được tư vấn nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT. |
THÚY HẰNG