“Dù cho sông cạn, đá mòn/ Mối tình Hải Phú mãi còn bền lâu”. Đây là câu thơ mà nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân 2 tỉnh Hải Dương, Phú Yên thuộc làu mỗi khi nhắc về tình kết nghĩa keo sơn, thiêng liêng, sâu nặng.
Nhóm bạn trẻ Hải Dương phối hợp với Tỉnh đoàn Phú Yên tổ chức phục dựng ảnh liệt sĩ tặng cho thân nhân liệt sĩ ở Phú Yên. Ảnh: HÀ MY |
Sát cánh bên nhau
Ngày 9/1/2025 đánh dấu 65 năm 2 tỉnh Hải Dương và Phú Yên kết nghĩa. Cán bộ, Nhân dân 2 tỉnh hân hoan, tự hào, xúc động ôn lại kỷ niệm về ngày chính thức trở thành “anh em một nhà”.
Hưởng ứng phong trào kết nghĩa Bắc - Nam do trung ương phát động, ngày 9/1/1960, Trung ương Đảng chấp thuận cho Nhân dân 2 tỉnh Hải Dương và Phú Yên kết nghĩa anh em. Tại Nhà hát TX Hải Dương, hơn 10.000 người đã chứng kiến lễ ký kết và tham dự mít tinh để hoan nghênh sự kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc này. Đây cũng chính là mốc son mở đầu cho mối quan hệ gắn bó keo sơn, son sắt, nghĩa tình giữa Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh.
Ngay những ngày đầu kết nghĩa, với phương châm tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam, vì Phú Yên ruột thịt, tỉnh Hải Dương đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất với tinh thần “một người làm việc bằng hai” để chi viện cho miền Nam, cho Phú Yên.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Dương đã tích cực chi viện người và của cho chiến trường miền Nam, trong đó gửi riêng vào Phú Yên những trung đoàn như: Trung dũng Hải Dương, 95A (Ngô Quyền), Trần Hưng Đạo... Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quê Hải Dương đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Phú Yên ruột thịt. Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Phú Yên hiện có nhiều phần mộ liệt sĩ là người Hải Dương.
Cũng trong những năm kháng chiến ấy, Hải Dương đã cưu mang, giúp đỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ, học sinh người Phú Yên ra miền Bắc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Phú Yên đã trưởng thành trên quê hương kết nghĩa Hải Dương như các đồng chí: Lê Thứ (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên năm 1951) được Đảng bộ và Nhân dân Hải Dương bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh; Võ Văn Khả được đề bạt là Phó Trưởng ty Xây dựng; Phạm Trọng Tuyên được giao nhiệm vụ Tỉnh đội phó...
Giai đoạn giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Hải Dương và Phú Yên cùng động viên nhau kiên cường, anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng cùng cả nước đánh bại kẻ thù xâm lăng.
Hòa bình lập lại, Hải Dương tiếp tục chi viện cơ sở vật chất và cử hàng trăm cán bộ, công nhân, giáo viên, nhân viên y tế… vào giúp Phú Yên tiếp quản vùng mới giải phóng, ổn định tình hình chính trị, TTATXH. Không ít người Hải Dương đã quyết định ở lại lập nghiệp tại Phú Yên. Đến nay, nhiều gia đình đã có 2-3 thế hệ cùng nhau vui sống hạnh phúc ở xứ hoa vàng cỏ xanh.
Thư viện Hải Phú nằm trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) với diện tích hơn 2.800m2 do Hải Dương xây tặng Phú Yên cách đây gần 50 năm là một trong những “địa chỉ đỏ” biểu tượng cho tình kết nghĩa.
Năm 2022, tới dự và nói chuyện với thanh niên 2 tỉnh về tham dự chương trình “Hành trình tuổi trẻ Hải Dương vì biển đảo quê hương”, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên xúc động chia sẻ: “Bản thân tôi đã nhiều lần cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương và Phú Yên tới thăm Thư viện Hải Phú. Lần nào tới đây, chúng tôi đều rưng rưng. Ở đó có những trang báo, có những cuốn sách được viết bằng tấm lòng, trái tim, máu và nước mắt, miêu tả rõ nét sự giúp đỡ lớn lao mà tỉnh Hải Dương đã dành cho Phú Yên trên nhiều phương diện. Nhiều người Hải Dương đã anh dũng hy sinh và không tiếc xương máu để Phú Yên có được như ngày hôm nay”.
Từ lâu ở Hải Dương, nhiều địa danh của tỉnh Phú Yên đã được dùng để đặt tên cho những đường phố ở TP Hải Dương như: Tuy Hòa, Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Ngân Sơn, Xuân Đài... Ở Phú Yên cũng vậy, nhiều con đường cũng được đặt tên để ghi nhớ những tình cảm to lớn của tỉnh Hải Dương như: Hải Dương, Chí Linh, Côn Sơn, Hải Thượng Lãn Ông, Mạc Thị Bưởi...
Chia ngọt, sẻ bùi
Suốt 65 năm qua, Nhân dân 2 tỉnh Hải Dương, Phú Yên không ngừng gìn giữ, chăm lo và ngày càng làm sâu sắc hơn mối tình kết nghĩa keo sơn. Mối tình này đã bám rễ ăn sâu vào tâm thức, chảy trong huyết quản của các thế hệ cán bộ, Nhân dân 2 tỉnh, trở thành giá trị tinh thần vô giá.
Hằng năm, nhất là vào những ngày lễ kỷ niệm lớn, 2 tỉnh đều tổ chức các hoạt động thăm, làm việc nhằm tiếp tục vun đắp tình cảm. Cuối tháng 11/2024, nhân dịp tham dự kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng làm trưởng đoàn đã thăm, làm việc tại tỉnh Phú Yên.
Đồng chí Trần Đức Thắng khẳng định gần 65 năm trôi qua nhưng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Hải Dương - Phú Yên vẫn luôn được duy trì, phát triển và trở thành tài sản vô giá của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân hai tỉnh trên con đường xây dựng và phát triển. Mong muốn hai tỉnh sẽ không ngừng bồi đắp, nâng tầm quan hệ, cùng chia sẻ trong công tác xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân.
Ngoài việc duy trì ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển theo từng giai đoạn, 2 tỉnh đã phối hợp phát hành sách “Hải Dương - Phú Yên lịch sử, tiềm năng phát triển” nhằm khắc họa những truyền thống quý báu, góp phần làm sâu sắc hơn nghĩa tình giữa 2 địa phương..
Các hoạt động chia ngọt sẻ bùi giữa 2 tỉnh liên tục được duy trì trong suốt những năm qua. Hải Dương đã hỗ trợ Phú Yên xây dựng hàng trăm nhà Tình nghĩa, một số công trình như cầu dân sinh, hệ thống nước sạch... Mỗi khi Nhân dân Phú Yên gặp hoạn nạn, khó khăn do mưa bão, dịch bệnh đều nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của Nhân dân Hải Dương.
Phú Yên cũng hỗ trợ trao nhiều phần quà, hỗ trợ xây hàng chục nhà Đại đoàn kết cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại Hải Dương. Tháng 9/2024, Hải Dương bị thiệt hại do bão Yagi, Nhân dân Phú Yên là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tham gia ủng hộ khắc phục thiệt hại. Tỉnh đoàn Phú Yên thành lập đoàn ra động viên, giúp đỡ, tặng quà người dân một số khu vực bị thiệt hại nặng do bão...
Dù cách xa nhau hơn 1.000 cây số nhưng các hoạt động kết nghĩa, củng cố mối quan hệ hợp tác chặt chẽ luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương của 2 tỉnh duy trì, phát triển tốt. Năm 2021, 2 huyện Nam Sách (Hải Dương) và Tây Hòa (Phú Yên) đã ký kết hợp tác toàn diện. Ủy ban MTTQ 2 tỉnh thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Tỉnh đoàn 2 địa phương duy trì các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, tham gia bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức...
65 năm đã qua và mãi mãi về sau này, “Dù cho sông cạn, đá mòn/ Mối tình Hải Phú mãi còn bền lâu”.
TIẾN MẠNH