Ngành nông nghiệp năm 2024 gặp nhiều khó khăn, trong đó có cơn bão số 3 nhưng vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật có kỷ lục xuất khẩu hơn 62 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng 3,2%. Bước sang năm 2025, ngành nông nghiệp quyết tâm thực hiện việc đảm bảo an ninh lương thực trong cả nước và xuất khẩu, tiếp tục là “trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội. Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu.
Phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 là dấu ấn tiêu biểu
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu ngành NN&PTNT đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, yêu mến và trăn trở của mình đối với ngành NN&PTNT; chúc mừng bà con nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có một năm bội thu, được mùa, được giá, đạt kỷ lục về xuất khẩu, người nông dân ngày càng giàu mạnh, vị thế của ngành nông nghiệp nước ta ngày càng được nâng cao với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Phân tích vai trò của ngành NN&PTNT trong phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi); Thủ tướng nhận định đây là một trong những dấu ấn tiêu biểu của ngành, một thử thách lớn nhưng cũng là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và sự chỉ đạo hiệu quả.
“Việc tham mưu, tổ chức thực hiện và điều phối an toàn hồ đập trong thời điểm lũ lụt nghiêm trọng đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo Bộ NN&PTNT,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2025 là năm cả nước tăng tốc, bứt phá phát triển để nhiệm kỳ 2021-2025 về đích thắng lợi, tạo đà để phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo đó, ngành NN&PTNT cũng phải tăng tốc, bứt phá với mức tăng trưởng 3,5- 4%; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Để phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trong tiến trình đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Thủ tướng lưu ý coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt; tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới. Ngành NN&PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương phải tập trung phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi trồng, chế biển thủy sản; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu ngành triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2025 và sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhấn mạnh việc xác định “người nông dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực; nông nghiệp là động lực; nông thôn là nền tảng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng năm 2025 và thời gian tới ngành NN&PTNT sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao với kết quả hoàn thành cao hơn mục tiêu đề ra, góp phần để nước ta trở thành nước có nền nông nghiệp hiện đại, xanh, sinh thái, tuần hoàn, phát triển bền vững, minh bạch, trách nhiệm.
Thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu
Chia sẻ tại hội nghị về tình hình xuất khẩu của ngành hàng rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… và đang đứng thứ nhì về xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường rau quả lớn nhất thế giới. Kết quả xuất khẩu năm 2024 đạt 7,2 tỉ USD. Ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn có các mặt hàng như chế biến, chế biến sâu.
Đặc biệt, số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực. Thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.
Trong năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Đại diện hiệp hội kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực.
“Để xuất khẩu bền vững hơn, chúng ta cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. Đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Thông tin về tình hình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao, các nội dung hợp tác về nông nghiệp, thúc đẩy mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác về chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ luôn được Thủ tướng quan tâm hàng đầu và tích cực thúc đẩy trong các hoạt động thời gian vừa qua.
Dự báo năm 2025 ngành nông nghiệp sẽ là ngành bị tác động đầu tiên trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng mới về bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thách thức về an ninh phi truyền thống…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản, có kế hoạch cụ thể đưa sản phẩm vào các thị trường tiềm năng bên cạnh các thị trường lớn như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á…, xúc tiến thị trường đối với sản phẩm Halal.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng mong muốn hai bộ phối hợp nhằm thúc đẩy đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề toàn cầu. Quảng bá, xúc tiến hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài, cần đi vào tổng thể, bài bản và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành trong vấn đề này
.
Hợp lực ngành nông nghiệp với tài nguyên môi trường là thích ứng với xu thế
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá năm 2025 mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, với nhiều cơ hội lớn và hàng loạt thách thức. Do đó, Bộ NN&PTNT lựa chọn chủ đề năm 2025 là “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá”, đây không chỉ là thông điệp hành động mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.
“Thích ứng linh hoạt là cách thức để vượt qua khó khăn và tận dụng các cơ hội mới. Khơi thông nguồn lực là cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, là động lực tăng trưởng, phát triển bền vững. Tăng tốc bứt phá là hướng đến mục tiêu vươn xa, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Người đứng đầu ngành NN&PTNT nhấn mạnh giá trị xanh, bền vững không còn là xu hướng. Giảm phát thải, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường… không còn là khẩu hiệu, hay khuyến nghị cho tương lai, mà đã hiện diện trong mọi hoạt động của đời sống hàng ngày. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả, mà chú trọng cả về tổng thể quy trình sản xuất, cách thức sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, về quá trình vận chuyển nông sản, từ cánh đồng, ao nuôi… đến bàn ăn, có bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, thân thiện với môi trường.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định sự hợp lực của ngành NN&PTNT với ngành Tài nguyên và Môi trường vừa thích ứng kịp thời với xu thế toàn cầu, vừa tạo nên sự gắn kết tổng thể, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững. Hợp lực, đồng lòng tất cả cùng dốc sức cho sự phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn và vì sự bền vững của tài nguyên - môi trường.
Theo Vietnam+