Thứ Sáu, 10/01/2025 18:31 CH
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển công nghiệp bán dẫn là nhu cầu tất yếu, đột phá chiến lược
Thứ Bảy, 14/12/2024 14:42 CH

Thủ tướng phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: TTXVN

Sáng 14/12, chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Bước khởi đầu đầy hứa hẹn

 

Nêu kết quả triển khai "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050", phiên họp đánh giá thời gian vừa qua, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào các công đoạn: thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip.

 

Việt Nam đã thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng như các Khu công nghệ cao Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng cùng nhiều khu công nghiệp tiêu chuẩn, là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút nguồn vốn FDI của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới như: Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn, LAM Research, Coherent, Intel.

 

Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhà đầu tư tốt như: Viettel, FPT, Phenikaa đang triển khai chiến lược phát triển, đẩy mạnh các dự án cụ thể trong lĩnh vực bán dẫn. Việt Nam bắt đầu có các startup tiềm năng về bán dẫn như Infrasen, VnChip, Hyphen Deux.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên; các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Seojin, Coherent... cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.

 

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

 

Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ USD.

 

Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, đưa hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ...

 

Đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên quan của Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ... để kết nối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như cấp các chương trình học bổng cho sinh viên, giảng viên Việt Nam sang học tập, làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tại châu Âu.

 

Những kết quả trên là mình chứng thể hiện sự nỗ lực và hành động quyết liệt của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Các đại biểu nêu một số khó khăn, thách thức trong triển khai "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050" như đây là lĩnh vực mới, các Bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp hiện nay mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, triển khai; việc đề xuất dự án đầu tư phòng thí nghiệm cấp quốc gia và phòng thí nghiệm cấp cơ sở cần nhiều thời gian.

 

Các đại biểu cho rằng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cần có cơ chế ưu đãi đặc thù và vốn đầu tư cho ngành công nghiệp này; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; phát triển đồng bộ và hiện đại cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ, hạ tầng điện, nước, hạ tầng giao thông, logistics; phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và công nghiệp điện tử; thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác quốc tế về lĩnh vực bán dẫn với các đối tác lớn; tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

 

Kết luận phiên họp, phân tích bối cảnh, tình hình và yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới và Việt Nam; vị trí, tiềm năng, lợi thế, điều kiện của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; các chủ trương, chính sách, những việc Việt Nam đã, đang thực hiện để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết cùng với các Nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đột phá về các cơ chế chính sách như: thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư; đề xuất cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, phí, lệ phí…để khuyến khích phát triển công nghiệp bán dẫn.

 

Nêu một số khó khăn, hạn chế như nhu cầu vốn lớn, cơ chế khuyến khích phải đột phá, hạ tầng phải đồng bộ, hiện đại, công nghệ phải tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao…; nhấn mạnh "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện “Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”.

 

Chỉ rõ, “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc gì dứt việc đó”; phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả,” Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý quá trình thực hiện phải kiểm tra, đôn đốc, nhân rộng mô hình hay, hiệu quả, đồng thời có biện pháp đối với những yếu kém, hạn chế; phát huy trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, đi đôi với kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh hợp tác công - tư, hợp tác trong nước, quốc tế, phát huy sức mạnh của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng, có ưu tiên để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng đổi mới sáng tạo, hạ tầng giao thông, logistics; có chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn; quản lý theo hướng thông minh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển.

 

Thủ tướng cũng chỉ đạo sớm ra đời Quỹ hỗ trợ đầu tư; tích cực chuyển giao công nghệ phát triển ngành bán dẫn, dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu của các Tập đoàn công nghệ lớn; tăng cường truyền thông, nhất là hướng dẫn và khuyến khích người dân tham gia phát triển ngành bán dẫn.

 

“Nguyên tắc là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Quang cảnh Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: TTXVN

 

Quyết tâm phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ KH&ĐT tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

 

Bộ TT&TT tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đặc biệt là các nhóm nhiệm vụ cụ thể: phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử.

 

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Ngoại giao xây dựng “Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam"; nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế về bán dẫn đối với một số quốc gia, nền kinh tế hàng đầu về bán dẫn; tăng cường hợp tác song phương, đa phương về bán dẫn.

 

Cùng với đó, Bộ Ngoại giao tiếp tục tranh thủ mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy hợp tác quốc tế về công nghiệp bán dẫn, điện tử, xác định lĩnh vực ưu tiên hợp tác với từng đối tác; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các cơ sở đào tạo giáo dục, trường đại học ở nước ngoài, và có kế hoạch tiếp cận, phát huy, kết nối hợp tác hiệu quả với Việt Nam.

 

Bộ Công Thương tổ chức triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và cập nhật bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương khôi phục, nghiên cứu phát triển điện hạt nhân sau khi cấp có thẩm quyền cho phép; phát triển điện gió ngoài khơi sau khi Luật Điện lực sửa đổi được Quốc hội thông qua; và phát triển điện mặt trời sau khi cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý việc bổ sung quy hoạch, đảm bảo an ninh cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao vận động các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi các danh sách bị hạn chế xuất khẩu công nghệ cao D1-D3 , qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn.

 

Giao Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT triển khai Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050,” trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn bảo đảm hiệu quả, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương trình ban hành Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến 2045” để chuẩn bị nguồn nhân lực STEM có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

 

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, quản lý, sử dụng các tài sản công phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Bộ KH&CN thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phát triển các công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng.

 

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế có sở hữu năng lực sản xuất bán dẫn, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, vật liệu, linh kiện bán dẫn; thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, đặc biệt các doanh nghiệp có vai trò quyết định hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam, đặt văn phòng, xây dựng các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm về bán dẫn tại Việt Nam; làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn về bán dẫn như: Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron.

 

Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển bán dẫn; hướng dẫn, chỉ đạo xử lý nhanh việc hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về chính sách và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy, giấy phép lao động… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.

 

Các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp để đầu tư, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt về cung cấp nguồn điện ổn định, đủ công suất và nước sạch, hệ thống xử lý nước thải… nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp lân cận để tạo cụm liên kết ngành cho chuỗi công nghiệp bán dẫn.

 

Trong số đó, Thành phố Hà Nội tăng cường kết nối giao thông từ trung tâm Hà Nội tới Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống giao thông kết nối 2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.

 

Nhấn mạnh, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu, là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta trong thời gian tới; là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được, Thủ tướng cho rằng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế; quyết tâm phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, bài bản, khoa học, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trong đó công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên phát triển.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek