Thứ Bảy, 11/01/2025 19:00 CH
Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa VIII: Nội dung chất vấn sát với đời sống thực tế
Thứ Sáu, 06/12/2024 17:19 CH

Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: ANH NGỌC

Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa VIII, các đại biểu đã chất vấn một số lãnh đạo sở, ngành với một số nội dung. Đây là những nhóm vấn đề được Chủ tọa kỳ họp lựa chọn để các đại biểu chất vấn phù hợp với thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được Nhân dân, cử tri và dư luận quan tâm.

 

Với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc và cầu thị, lãnh đạo các sở, ngành cũng đã trả lời, giải trình, đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục các tồn tại, hạn chế.

 

Đại biểu HĐND tỉnh Đỗ Thị Như Tình

* Đại biểu Đỗ Thị Như Tình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chất vấn Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Theo đại biểu Đỗ Thị Như Tình, tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Sơn Hòa là 1.913 hộ/2.181 hộ, chiếm 87,71%; Đồng Xuân 937/1435 hộ, chiếm 65,29%; Sông Hinh 738/947 hộ, chiếm 77,93%. Điều đó cho thấy tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS rất cao. Qua số liệu khảo sát ở một số xã thuộc 3 huyện miền núi, mức thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS vẫn rất thấp, có nơi chưa bằng 1/2 bình quân thu nhập của cả tỉnh (chỉ khoảng 17-20 triệu đồng/người/năm); sự chênh lệch về khoảng cách giàu - nghèo tương đối lớn, đặc biệt là đồng bào DTTS.

 

Đại biểu Đỗ Thị Như Tình đặt câu hỏi: Ban Dân tộc tỉnh có những giải pháp gì để góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo một cách bền vững ở vùng đồng bào DTTS; rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập bình quân của người DTTS với thu nhập bình quân chung của tỉnh?

 

- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trương Văn Phương trả lời: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư và hỗ trợ bằng nhiều nguồn lực và có nhiều cách thức, phương pháp nhằm tạo điều kiện và giúp cho đồng bào các DTTS có sự phát triển, vươn lên, nâng cao thu nhập và đời sống.

 

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trương Văn Phương

Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030: giai đoạn I (2021-2025). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại kết quả đem lại từ việc thực hiện chương trình này vẫn chưa được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người của bà con vùng DTTS vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.

 

Nguyên nhân do xuất phát điểm của vùng đồng bào DTTS của tỉnh còn thấp; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, với nhiều nội dung dự án, tiểu dự án có nhiều điểm mới, khi áp dụng thực tế gặp nhiều khó khăn về cơ chế, định mức và thủ tục giải ngân. Quá trình triển khai thực hiện chương trình này nhiều địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chậm triển khai và còn nhiều lúng túng…

 

Thời gian đến, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản hướng dẫn của trung ương để hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đẩy mạnh công tác phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các sở, ban ngành và các địa phương.

 

Các địa phương, đơn vị phải tập trung, khẩn trương và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã được giao theo kế hoạch. Phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy nội lực của đồng bào các DTTS, không trông chờ, ỷ lại; tích cực lao động, sản xuất để đem lại cuộc sống và thu nhập cao hơn.

 

Đại biểu HĐND tỉnh Trần Trọng Quyền

* Đại biểu Trần Trọng Quyền, Chủ tịch LĐLĐ TX Đông Hòa chất vấn Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT về nguyên nhân và giải giáp khắc phục chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho tổ chức, cá nhân? Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã tháo gỡ được những khó khăn gì mà Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định?

 

* Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa trả lời: Việc chậm trễ này chủ yếu diễn ra đối với nhóm hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện mà trực tiếp thực hiện là UBND cấp xã, các chi nhánh văn phòng đăng ký, phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố tham gia trực tiếp xử lý và trình UBND cấp huyện ký giấy chứng nhận.

 

Nguyên nhân khách quan là do khối lượng hồ sơ phát sinh nhiều, trong khi nhân lực chưa đáp ứng về số lượng, lẫn chất lượng. Các thửa đất đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu còn lại trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc không rõ ràng. Bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính có biến động lớn theo thời gian, nhưng công tác cập nhật, chỉnh lý biến động chưa được thực hiện đồng bộ.

 

Thời gian phối hợp thực hiện nhiệm vụ, cung cấp hồ sơ, thông tin của các cơ quan liên quan ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

 

Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa

Nguyên nhân chủ quan là do tinh thần trách nhiệm của cán bộ các cơ quan tham gia giải quyết hồ sơ chưa cao, năng lực chuyên môn còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, giải quyết hồ sơ giữa các đơn vị có liên quan chưa hiệu quả.

 

Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã giải quyết nhiều vướng mắc mà Luật Đất đai năm 2013 chưa giải quyết được, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc cấp giấy CNQSDĐ cho người dân theo hướng thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

 

Theo đó, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu cho người dân đã giảm một bước, UBND cấp xã làm xong phần việc của mình thì chuyển hồ sơ đến cho phòng TN&MT để tham mưu trực tiếp UBND cấp huyện ký giấy chứng nhận. Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2024 cũng bổ sung nhiều loại giấy tờ về quyền sử dụng đất có lợi cho người sử dụng đất; cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua nhiều hình thức khác nhau, giúp người dân có thêm lựa chọn linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

 

Để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy CNQSDĐ cho tổ chức, cá nhân, Sở TN&MT sẽ tiếp tục triển khai thi hành, thực hiện Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn, thi hành luật; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn; kiện toàn, ổn định bộ máy, tăng cường nhân lực cho các đơn vị.

 

Đồng thời, tăng cường, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc giải quyết hồ sơ, nhu cầu của người sử dụng đất; tăng cường công tác thanh, kiểm tra công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận; thường xuyên tổ chức giao ban hàng quý giữa Sở TN&MT với UBND cấp huyện để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc.

 

Đại biểu HĐND tỉnh Đặng Thị Hồng Nga

* Đại biểu HĐND tỉnh Đặng Thị Hồng Nga chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về công tác quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) trên địa bàn tỉnh? 

 

- Phó Giám đốc điều hành Sở Tài chính Trần Văn Hào cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.777 cơ sở nhà, đất, trong đó phương án sắp xếp lại là 1.652 cơ sở và đã thực hiện 1.429 cơ sở. Đến nay, UBND tỉnh cho phép thanh lý 372 cơ sở, điều chuyển 37 cơ sở, thu hồi 5 cơ sở, bán 4 cơ sở; nhận chuyển giao từ trung ương 48 cơ sở. Từ năm 2018 đến nay, việc quản lý, sử dụng TSC trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy nguồn lực tài chính từ TSC. 

 

Tuy nhiên, còn 162 cơ sở nhà, đất là trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức đang bỏ trống. Một số TSC là trụ sở làm việc của các đơn vị xây dựng vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng không hết công suất; đơn vị sử dụng tài sản chưa được bàn giao hồ sơ quyết toán để theo dõi, kê khai tài sản…

 

Nguyên nhân, một số đơn vị chưa nắm được các quy định về quản lý, sử dụng TSC. Nhiều cơ sở nhà, đất cũ trước đây không có hồ sơ, giấy tờ gây khó khăn trong việc lập phương án xử lý. Một số phương án sắp xếp lại, xử lý đã phê duyệt trước đây không thực hiện được.

 

Phó Giám đốc điều hành Sở Tài chính Trần Văn Hào

Các đơn vị quản lý chưa có phương án sắp xếp khi thực hiện xây dựng cơ sở mới, tổ chức sáp nhập. Khi đầu tư xây dựng mới, các chủ đầu tư chưa tính toán, rà soát và lấy ý của cơ quan quản lý TSC, nên dẫn đến một số đơn vị xây dựng vượt tiêu chuẩn, định mức…

 

Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu giao, điều chuyển, thanh lý, bán, sắp xếp TSC tại các cơ quan thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Các nội dung khác như điều chuyển, thanh lý, sắp xếp các trụ sở cũ khi các đơn vị có trụ sở mới, Sở Tài chính là khâu cuối cùng tham mưu UBND tỉnh nên không chủ động việc xử lý. Ngoài trách nhiệm của Sở Tài chính, trách nhiệm còn thuộc về các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng TSC và cơ quan quản lý nhà nước chủ quản. Một số địa phương có các cơ sở nhà, đất bỏ trống, chưa có phương án thực hiện sắp xếp.

 

Thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục triển khai các quy định về quản lý, sử dụng TSC đến các cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng TSC. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp việc thực hiện sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất đã có phương án xử lý để sớm đưa các cơ sở này vào sử dụng. Sau khi Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng TSC có hiệu lực thi hành, Sở Tài chính sẽ báo cáo UBND tỉnh chuyển giao các cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc cũ đang bỏ trống để xử lý theo quy định pháp luật về đất đai.

 

Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Ngọc Công

* Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Ngọc Công chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về nguyên nhân chậm quyết toán, chậm giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh?

 

- Phó Giám đốc điều hành Sở Tài chính Trần Văn Hào cho biết: Tính đến ngày 18/10, còn 18 dự án chậm lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (cấp tỉnh có 8 dự án, cấp huyện có 10 dự án). Nguyên nhân, do những vướng mắc như: dự án chưa phê duyệt quyết toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư và nhà thầu chậm lập báo cáo quyết toán; vướng về thủ tục hồ sơ pháp lý…

 

Sở Tài chính có một phần trách nhiệm trong việc chưa đôn đốc kịp thời, công tác phối hợp có lúc chưa chặt chẽ với các chủ đầu tư. Việc chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành là trách nhiệm chính của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

 

Phó Giám đốc điều hành Sở Tài chính Trần Văn Hào

Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý đối với từng công trình, dự án đầu tư công. Theo đó, đối với các dự án do chủ đầu tư và nhà thầu chậm lập báo cáo quyết toán, một số nhà thầu đã ngưng hoạt động, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương làm việc với nhà thầu để lập báo cáo quyết toán, chậm nhất trong quý I/2025.

 

Đối với các dự án vướng về thủ tục hồ sơ pháp lý, yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan tập trung giải quyết những vấn đề về hồ sơ pháp lý, khẩn trương báo cáo quyết toán trong quý I/2025.

 

Đối với các dự án chờ kết luận của thanh tra, kiểm tra, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện theo các kiến nghị kết luận, lập báo cáo trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt trong quý I/2025. Trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

 

Sở Tài chính tiếp tục phối hợp các chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh công tác quyết toán dự án hoàn thành. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu hướng xử lý đối với chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo quy định.

 

TỔ PV (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek