Ngày 11/12, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với lãnh đạo huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo UBND huyện Sơn Hòa, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đạt được kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố và đảm bảo. Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 111,5 tỉ đồng, đạt 168,94% dự toán tỉnh giao. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thực hiện 4.952,16 tỉ đồng, đạt 102,74% kế hoạch, tăng 13,63% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng diện tích gieo trồng được 27.895 ha, đạt 100,01% kế hoạch; thu hoạch mía 714.382 tấn, tăng 31,75% so với cùng kỳ. Công tác phát triển rừng được quan tâm; tỉ lệ che phủ rừng 42,78%, đạt 104,06% kế hoạch. Sơn Hòa được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP tỉnh Phú Yên năm 2022 khi có một chủ thể, ba sản phẩm hạng 3 sao. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo hỗ trợ kịp thời đến từng đối tượng.
Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn (bìa phải ảnh) kiểm tra thực tế tại Cụm công nghiệp Ba Bản (huyện Sơn Hòa). Ảnh: HỒ NHƯ |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Sơn Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa một số tuyến đường trên địa bàn huyện; tháo gỡ các vướng mắc trong việc cho thuê đất các dự án tại Cụm công nghiệp Ba Bản. Hiện hệ thống nước sạch phục vụ khu vực trung tâm huyện còn thiếu, nhiều xã khó khăn về nguồn nước sạch nên cần được đầu tư. Một số khu vực dân cư trên địa bàn thị trấn Củng Sơn thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, cần được di dời…
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Sơn Hòa trong thời gian qua. Đồng chí Tạ Anh Tuấn đề nghị địa phương cần chủ động phát huy hơn nữa các tiềm năng có sẵn để phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực từ xã hội hóa để phát triển du lịch nhưng phải theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát. Bên cạnh đó, huyện tập trung quan tâm hỗ trợ đời sống, kinh tế của các hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các kiến nghị của huyện, các sở, ngành cần phối hợp với địa phương ưu tiên giải quyết vấn đề di dời dân khỏi vùng bị ảnh hưởng do ngập lụt, thiên tai; làm việc lại với Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân. UBND tỉnh sẽ làm việc với các ngành liên quan để giải quyết dứt điểm các tồn tại ở Cụm công nghiệp Ba Bản, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia hoạt động sản xuất.
Dịp này, đoàn công tác đã đến dâng hương tại Nhà thờ Bác Hồ; đi thực tế một số dự án, tuyến đường trên địa bàn; làm việc với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam…
Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn (bìa trái) tham quan nhà trưng bày tại di tích lịch sử cấp quốc gia nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Ảnh: HỒ NHƯ |
* Cùng ngày, đoàn công tác cũng đã đến dâng hương tại di tích lịch sử cấp quốc gia nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên, đi thực tế một số địa điểm và làm việc với lãnh đạo huyện Đồng Xuân.
Báo cáo với đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội của huyện, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Đồng Xuân có vùng nguyên liệu sắn, mía phát triển bền vững phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất ổn định, tạo sản phẩm có thương hiệu. Diện tích trồng cây ăn trái có xu hướng tăng qua các năm; hiện diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện gần 500 ha, chiếm 77,79% diện tích trồng cây lâu năm với chủng loại chủ yếu là cây ăn xoài, chuối, mít, bơ và trái có múi (cam, chanh, quýt, bưởi). Địa phương cũng có nhiều tiềm năng về cảnh quan du lịch như: suối khoáng nóng Triêm Đức, xã Xuân Quang 2; suối khoáng nóng Trà Ô, xã Xuân Long; Vực Hòm (thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh)… Địa phương có lợi thế cây lúa là cây trồng chính. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm lúa gạo vẫn chưa có thương hiệu do người dân chưa chú trọng đến các giống lúa cho chất lượng gạo cao cấp theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, trên địa bàn huyện vẫn chưa có nhà máy xay xát, chế biến gạo quy mô công nghiệp; chưa hình thành chuỗi liên kết với các vùng sản xuất lúa gạo tập trung gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đi thực địa tại thị trấn La Hai (Đồng Xuân). Ảnh: HỒ NHƯ |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Đồng Xuân kiến nghị UBND tỉnh nhiều vấn đề như: Sớm đầu tư xây dựng tuyến tránh đoạn qua thị trấn La Hai trên quốc lộ 19C (Dự án Trục giao thông phía Tây của tỉnh Phú Yên); nâng cấp, mở rộng tuyến tránh qua địa bàn xã Xuân Lãnh; xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số; cho phép đưa dự án Nạo vét và xây dựng hệ thống kè chống sạt lở dọc sông Kỳ Lộ, sông Cô vào danh mục dự án cấp bách của tỉnh…
Đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Đồng Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đề nghị địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được để phát triển trong thời gian đến. Huyện quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo cán bộ, cải cách hành chính đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng, phát triển, địa phương cần chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng. Các sở, ngành quan tâm, phối hợp với địa phương để giải quyết các vướng mắc trong quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Trước mắt, địa phương phối hợp với ngành Giao thông có phương án khẩn phương khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở bờ sông uy hiếp đến quốc lộ 19C để đảm bảo an toàn công trình.
HỒ NHƯ