Thứ Sáu, 17/05/2024 16:59 CH
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc
Thứ Ba, 06/12/2022 16:41 CH

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc, sáng 6/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

 

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, doanh nghiệp hai nước.

 

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyung-ho và các thành viên đoàn đại biểu cấp cao đã chứng kiến lễ ký 15 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương với doanh nghiệp Hàn Quốc, giữa các doanh nghiệp hai nước.

 

Diễn đàn thu hút sự tham gia của những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời thu hút sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp hai nước. Điều đó cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của doanh nghiệp hai nước vào tương lai hợp tác hai nước và doanh nghiệp hai nước.

 

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn qua diễn đàn này, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước bước sang trang mới tươi sáng hơn, thành công hơn, kịp thời hơn.

 

Trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế và doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô, kinh tế phục hồi tốt sau đại dịch.

 

Đặc biệt, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, môi trường đầu tư kinh doanh trung và dài hạn được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất rộng mở. Đó là lý do giúp Việt Nam thu hút được 400 tỉ USD vốn đăng ký từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, lọt nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu thế giới.


Đó cũng là lý do doanh nghiệp Hàn Quốc là đối tác hàng đầu của Việt Nam về FDI với khoảng 80 tỉ USD vốn đăng ký, đứng thứ 2 về thương mại với tổng kim ngạch năm 2022 đạt khoảng 90 tỉ đôla Mỹ, phấn đấu 2030 sẽ đạt 150 tỉ USD.

 

Nhấn mạnh thành công và thành công hơn nữa của các doanh nghiệp hai nước cũng là thành công của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước, Chủ tịch nước cho rằng việc các nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh triển khai chiến lược đưa đất nước trở thành quốc gia chủ chốt toàn cầu cho thấy sự tương đồng về mục tiêu, lợi ích hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

 

Lạc quan nhìn về tương lai với niềm tin mới, động lực mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển mạnh mẽ hòa trong dòng chuyển động của cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu về chuyển đổi nền kinh tế số, tăng trưởng xanh với năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, công nghệ thông tin...

 

Tất cả hợp tác đều vì sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.  

 

Bày tỏ mong muốn sau diễn đàn này, hợp tác doanh nghiệp sẽ có sinh khí mới, đóng góp vào quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ với các doanh nghiệp khát vọng Việt Nam phát triển hùng cường đến năm 2045.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyung-ho chứng kiến lễ trao biên bản hợp tác về Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữa hai nước. Ảnh: TTXVN

 

Việt Nam tập trung vào chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để hội nhập sâu rộng, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển sang hợp tác với nguồn FDI có chất lượng cao.

 

Việt Nam sẽ đầu tư mạnh mẽ kết cấu hạ tầng chiến lược và mong muốn Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư để lan tỏa nhanh vào nền kinh tế, qua đó đóng góp quan hệ hai nước. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ tập trung nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế để hội nhập quốc tế sâu rộng. 

 

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cũng đã nêu một số gợi mở về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và doanh nghiệp hai nước trong 30 năm tới.

 

Theo đó, hai nước cần tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng để đảm bảo an ninh về kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan, phân hóa kinh tế trên toàn cầu. Mở rộng hợp tác trong thương mại, nhất là tháng 2 năm nay, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực tại Hàn Quốc.

 

Để hỗ trợ hợp tác tư nhân giữa hai nước, chính phủ Hàn Quốc tăng cường đối thoại theo cơ chế chính phủ và nâng cao năng lực tăng cường tài chính thương mại, đổi mới các quy định về thuế và các nền tảng hợp tác khác. 

 

Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho tin tưởng: "Nếu có sự cố gắng của chính phủ và khối tư nhân của hai nước thì năm 2023, quy mô thương mại song phương có thể sẽ đạt 100 tỉ USD".

 

Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống về sản xuất, cơ sở hạ tầng, du lịch, Phó Thủ tướng Hàn Quốc cũng cho rằng hai nước cần nâng cấp hợp tác về kinh tế xanh và kinh tế số và các ngành công nghiệp mới.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Toạ đàm với các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN

 

Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với Việt Nam trong các lĩnh vực Smart City, ICT, năng lượng tái sinh mới, hạ tầng môi trường và cùng với Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư giao lưu công nghệ, giao lưu nguồn nhân lực.

 

Với các tiềm năng phát triển cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cơ cấu dân số của Việt Nam cũng rất, Phó Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng đây chính là những điều hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc hơn bao giờ hết.

 

Trên nền tảng hợp tác và khí thế mới, ông tin tưởng tại diễn đàn này, các doanh nghiệp hai nước sẽ đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nên thành tựu hợp tác giữa hai đất nước trong 30 năm tới.

 

Tại diễn đàn doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hàn Quốc đã chứng kiến lễ ký kết và trao 15 văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương hai nước trong nhiều lĩnh vực.

 

* Cũng trong sáng 6/12, sau khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại thủ đô Seoul với hơn 500 đại diện tới từ các doanh nghiệp của hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn Hàn Quốc trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

 

Cùng dự tọa đàm, có các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam và công ty Luật Kim & Chang, lãnh đạo ngân hàng Shinhan Bank, ngân hàng Hana, tập đoàn tài chính Hana, tập đoàn tài chính Woori, tập đoàn tài chính KB, tập đoàn LG, công ty Samsung SDS, Hyundai Motor, tập đoàn tài chính Nonghyu, công ty Amkor Technology, công ty Hana Micron…

 

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm tới các cơ chế, chính sách mới nhất liên quan đến đầu tư, thương mại đặc biệt trong các lĩnh vực như chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, xe ôtô điện, đầu tư tài chính, logistics, đa dạng hóa chuỗi giá trị, văn hóa, truyền thông số...

 

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam; đánh giá cao môi trường đầu tư và những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; tin tưởng vào những biện pháp quyết liệt, hiệu quả của Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, ứng phó với các sự cố bất thường...

 

Nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc khẳng định tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư, tái đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

 

Hoan nghênh các ý kiến phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch nước cho rằng thế giới đang phải đối mặt với những chuyển động toàn cầu nhanh chóng, diễn biến khó lường, khó khăn chồng khó khăn với những dự báo kém lạc quan về suy giảm kinh tế, lạm phát cao, nợ công cao, niềm tin thị trường giảm thấp, sự lo lắng về gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối… trong năm 2023.

 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đối mặt với những thách thức, khó khăn đó bằng các chính sách phù hợp, hành động mạnh mẽ để thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đảm bảo kiểm soát dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

Hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 3 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với quy mô GDP gần 400 tỉ USD. Việt Nam thuộc top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, với hơn 34.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 400 tỉ USD đến từ 140 quốc gia, đối tác quốc tế. 

 

Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa Việt Nam vào Top 20 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều liên tục điều chỉnh nâng dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam (trên 7% năm 2022). Đặc biệt, Moody’s và S&P đều xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực".

 

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2022 của WIPO, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

 

Chủ tịch nước nêu rõ thời gian tới, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến 2030 và Kế hoạch phát triển đến 2025, Việt Nam tập trung phát huy tốt nội lực để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sang nền kinh tế số; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với việc thực hiện các cam kết của 15 hiệp định FTA đã ký.

 

Nhấn mạnh rằng Hàn Quốc là nền kinh tế lớn hàng đầu châu Á trong khi Việt Nam là nền kinh tế năng động và tiềm năng bậc nhất ASEAN, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác chiến lược quan trọng và lâu dài; mong muốn cùng Hàn Quốc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với trụ cột và động lực quan trọng là hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư.

 

Chủ tịch nước hoan nghênh ý kiến của các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm, là những tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam, hiểu về Việt Nam và là bạn bè chia sẻ cùng Việt Nam.

 

Chủ tịch nước nhấn mạnh thêm về chủ trương chiến lược mới của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi hơn, hiệu quả hơn đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam. Việt Nam chuyển từ chỉ đơn thuần "thu hút” vốn FDI trước đây, sang "hợp tác” mang tính dài hạn với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.

 

Chủ tịch nước hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới như: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; đồng thời mong muốn có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam...

 

Chủ tịch nước nhấn mạnh “Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi” và cùng lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp Hàn Quốc về các định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, cơ hội để các tập đoàn tài chính nước ngoài tham gia vào các dự án đầu tư tại Việt Nam theo nhiều hình thức, đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek