Thứ Hai, 30/09/2024 20:35 CH
Quốc hội tiếp thảo luận tổ về các dự thảo nghị quyết, dự thảo luật
Thứ Ba, 25/10/2022 12:57 CH

Chiều 24/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục có phiên thảo luận tại tổ về các nội dung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên chủ trì, điều hành phiên thảo luận Tổ số 16. Ảnh: NGỌC TUẤN

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên được phân công làm Tổ trưởng Tổ 16. Phát biểu điều hành, đồng chí Phạm Đại Dương đề nghị các ĐBQH trong tổ tham gia ý kiến về những nội dung Chính phủ trình và các văn bản thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội, trong đó tập trung thảo luận về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung; đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các nội dung được quy định trong dự thảo.

 

Tham gia thảo luận, góp ý tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên có 3 lượt phát biểu, Phú Yên Online trích đăng các ý kiến thảo luận này.

 

* Đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Phú Yên

 

Điều 2 của dự thảo dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định đối tượng áp dụng bao gồm 2 nhóm: tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Hiện nay, phát sinh một số hoạt động mới liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ... Đây là các hoạt động trực tuyến với tính ẩn danh cao của các bên tham gia giao dịch, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền. Khung pháp lý về cấp phép, quản lý các hoạt động này đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện. Do đó, để dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền bao quát các hoạt động mới phát sinh, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung các quy định có tính nguyên tắc để dự liệu điều chỉnh các hoạt động nêu trên.

 

Đại biểu Lê Văn Thìn phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: NGỌC TUẤN

 

Tại điểm 1, khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp phép chỉ đề cập đến một loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Hiện nay, ngoài kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, các hình thức kinh doanh bảo hiểm khác cũng rất đa dạng, với số vốn rất lớn. Nhằm tránh bỏ lọt đối tượng có thể lợi dụng để rửa tiền, đề nghị rà soát làm rõ ngoài bảo hiểm nhân thọ còn có loại hình bảo hiểm nào khác có thể lợi dụng để rửa tiền không để quy định cho phù hợp.

 

Khoản 1, Điều 17 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định: Đối tượng báo cáo rà soát các nguồn thông tin đã thu thập, bao gồm cả nguồn thông tin về danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo để lập danh sách khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị áp dụng tại đối tượng báo cáo. Tuy nhiên, tại Điều 48 (trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) chưa quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về hướng dẫn, hỗ trợ về nguồn dữ liệu, cách thức để các đối tượng báo cáo có thể nhận biết được nguồn tài sản, nguồn tiền của khách hàng do đây là đối tượng khách hàng khó tiếp cận để thu thập thông tin.

 

Điều 19 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định: Đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy trình để nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi đưa vào sử dụng đối với sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới. Quy định này chưa rõ ràng, không rõ tiêu chí nào coi là “công nghệ đổi mới khác với công nghệ đang sử dụng”, dễ gây ra nhiều cách hiểu trong việc đánh giá tính mới của công nghệ được đưa vào sử dụng và tạo thêm gánh nặng tuân thủ về chính sách, quy trình quản lý rủi ro công nghệ đối với doanh nghiệp. Quy định này cũng không thật sự phù hợp khi một doanh nghiệp triển khai công nghệ mới, nhưng thực tế đã được cho phép trong văn bản pháp luật chuyên ngành. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi theo hướng giới hạn phạm vi công nghệ mới cần phải thực hiện đánh giá rủi ro.

 

Điều 12 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định: Đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định pháp luật, qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp mới chỉ được kết nối vào một số cơ sở dữ liệu này một cách thủ công, chưa được kết nối vào hệ thống này để tiến hành khai thác và đối chiếu thông tin tự động bằng công nghệ. Việc này làm phát sinh thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc tự động hóa và ứng dụng công nghệ vào quy trình xác minh của doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu có thể được chia sẻ do đơn vị mình quản lý với hệ thống của các đối tượng báo cáo nhằm phục vụ mục đích xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

 

Tại khoản 2, Điều 38 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về lưu trữ hồ sơ, thông tin, báo cáo: Thời hạn lưu trữ quy định như sau: 5 năm kể từ ngày kết thúc giao dịch hoặc ngày đóng tài khoản hoặc ngày báo cáo đối với các thông tin, hồ sơ quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này; 5 năm kể từ ngày phát sinh giao dịch đối với các báo cáo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, đối với một số hồ sơ, thông tin, báo cáo phức tạp hoặc có liên quan đến nhiều vụ việc khác nhau thì có thể lưu trữ lâu hơn để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh… Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thời hạn lưu trữ lâu hơn trong các trường hợp cần thiết.

 

Tại khoản 2, Điều 25 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định: Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo (dự thảo Quyết định) không quy định giai đoạn để phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, chỉ quy định tại Điều 3 dự thảo mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng, giữ nguyên mức giá trị được quy định tại Quyết định 20 ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ… Ngoài ra, tại Điều 2 dự thảo Quyết định quy định: Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, Điều 3 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về “giải thích từ ngữ” chứ không phải đối tượng áp dụng. Để thống nhất trong quy định giữa Luật và văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý vững chắc trong thi hành và áp dụng pháp luật; đồng thời quy định mức giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, đề nghị xem xét sửa đổi các nội dung nêu trên tại dự thảo Quyết định nêu trên.

 

* Đại biểu Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, ĐBQH tỉnh Phú Yên

 

Tại khoản 2, Điều 4 dự thảo dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định các hoạt động, ngành nghề kinh doanh của đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Thực tế hiện nay phát sinh các hình thức kinh doanh, đấu giá một số tài sản, vật có giá trị lớn như các tác phẩm nghệ thuật, kinh doanh cây cảnh, đồ cổ… đây là hình thức có nguy cơ phát sinh rủi ro về rửa tiền cao. Đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm một số đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh tài sản, vật có giá trị lớn thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

 

Đại biểu Dương Bình Phú phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: NGỌC TUẤN

 

Tại khoản 4, Điều 8 dự thảo dự án Luật Phòng, chống rửa tiền có khái niệm “công cụ lưu trữ giá trị”: Ngoài một số tài sản như vàng sử dụng như công cụ lưu trữ giá trị truyền thống thì sự phát triển khoa học công nghệ dẫn tới phát sinh một số loại hình tài sản khác như “tài sản ảo”, “tiền điện tử”, “tài sản mã hóa”, “tiền mã hóa”, các tài sản này dù chưa được pháp luật các quốc gia công nhận nhưng người dân đã và đang sử dụng như một công cụ lưu trữ giá trị. Tôi đề xuất việc xem xét các loại hình tài sản mới nêu trên và cần có quy định cụ thể hơn về nội dung này trong dự thảo.

 

Điểm e, khoản 2, Điều 10 dự thảo dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ quy định về việc yêu cầu thông tin nhận biết khách hàng tổ chức gồm thông tin về người thành lập tổ chức do định nghĩa hiện nay của chủ sở hữu hưởng lợi đã mở rộng đến chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng và có thể đã bao gồm những người thành lập trong phạm vi đó. Với một số tổ chức, công ty lâu đời, những người thành lập đã qua đời hoặc rời khỏi công ty nên khó xác định và lấy thông tin của họ cũng như việc thu thập những thông tin đó là không cần thiết. Ngoài ra, quy định pháp luật về nhận biết khách hàng của các quốc gia khác không yêu cầu xác định và nhận biết người thành lập.

 

Tại điểm a, khoản 2, Điều 17 dự thảo quy định về đối tượng báo cáo. Tuy nhiên, đối tượng báo cáo không có căn cứ để xác định chủ sở hữu hưởng lợi, đặc biệt với trường hợp cá nhân có ảnh hưởng chính trị là người nước ngoài. Đối tượng báo cáo chỉ có thể xác định chủ sở hữu hưởng lợi trên cơ sở thông tin, tài liệu do khách hàng cung cấp, nếu khách hàng không cung cấp thông tin cho đối tượng báo cáo, thì đối tượng báo cáo cũng không có giải pháp kiểm tra, xác minh được chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có ảnh hưởng chính trị. Bên cạnh đó, đối với đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính thì việc phải xây dựng “hệ thống quản lý rủi ro phù hợp nhằm xác định khách hàng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị” là tương đối khó khăn. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, quy định đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có ảnh hưởng chính trị trên cơ sở thông tin và tài liệu do khách hàng cung cấp.

 

Tại khoản 1, khoản 3, Điều 21 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định: Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp phép thành lập, hoạt động cho pháp nhân phải cập nhật, lưu trữ thông tin cơ bản của pháp nhân bao gồm tên và loại hình pháp nhân, quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, tình trạng pháp lý, địa chỉ đặt trụ sở chính, cơ cấu tổ chức quản lý; danh sách người quản lý pháp nhân, điều lệ, thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân (nếu có)… và có trách nhiệm cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Quy định như vậy, các đối tượng báo cáo là chủ thể trực tiếp thực hiện việc thu thập, xác minh thông tin của chủ sở hữu hưởng lợi lại không được phép khai thác, sử dụng các thông tin này từ các cơ quan có thẩm quyền hoặc có thể tiếp cận từ một cơ sở dữ liệu công khai nào khác. Tôi đề nghị bổ sung quy định việc công bố thông tin công khai về chủ sở hữu hưởng lợi đối với các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán và quy định việc đối tượng báo cáo được phép gửi văn bản tới các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp phép thành lập để yêu cầu khai thác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

 

Hiện nay, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đang là tài sản được kinh doanh, mua bán rất “sôi nổi” và là những tài sản có giá trị lớn. Tôi đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của Bộ TN-MT và các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai vào dự thảo Luật này, vì Bộ TN-MT là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý đất đai, tài nguyên đặc biệt. Các sở TN-MT có Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm đo đạc bản đồ... là những tổ chức có điều kiện để phát hiện phòng chống rửa tiền liên quan đến đất đai.

 

* Đại biểu Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, ĐBQH tỉnh Phú Yên

 

Đại biểu Lê Đào An Xuân phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: NGỌC TUẤN

 

Tôi xin phép tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết quy định nội quy Kỳ họp Quốc hội. Quan điểm cá nhân tôi thống nhất các nội dung sửa đổi. Tôi chỉ xin một ý kiến nhỏ, đó là quy định về tài liệu gửi đến kỳ họp. Theo dự thảo, nếu đơn vị, cơ quan nào chậm gửi tài liệu thì sẽ được công khai đến các đại biểu. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm thấy mốc thời gian mà mình dự kiến để đánh giá là chậm, tức là trước mỗi kỳ họp thì chậm nhất là bao nhiêu ngày đại biểu nhận được các tài liệu phục vụ kỳ họp. Tôi đề nghị bổ sung mốc thời hạn phải gửi tài liệu cho đại biểu và cũng kiến nghị nên phân loại thời hạn theo loại tài liệu.

 

Về Nghị quyết về thời hiệu kỷ luật đối với cán bộ, công chức, tôi ủng hộ rất cao chủ trương và thống nhất về thời hiệu xử lý kỷ luật, giữa quy định kỷ luật Đảng và các quy định về kỷ luật hành chính. Tuy nhiên, tôi băn khoăn một số nội dung: Thứ nhất, có những quy định giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật công chức, viên chức không trùng khớp với nhau. Ví dụ như chúng tôi gặp trường hợp là có hình thức kỷ luật Đảng đối với hành vi vi phạm về sinh con thứ ba, nhưng trong kỷ luật công chức thì lại không có hình thức. Cho nên, dù thống nhất quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật nhưng cũng sẽ có bất nhất về nội dung khi thực hiện xử lý kỷ luật. Thứ hai, quy định về chuyển tiếp đối với quy định này, chẳng hạn như đối với những người đã bị kỷ luật Đảng và nằm ngoài thời hạn xử lý hành chính theo quy định mới (ngoài thời hạn 5 năm đối với hình thức khiển trách và 10 năm đối với cảnh cáo) thì không ảnh hưởng. Nhưng đối với trường hợp đã bị kỷ luật Đảng, hết thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính theo quy định hiện hành, nhưng nếu thay đổi như dự thảo thì vẫn có thể tiếp tục xử lý kỷ luật hành chính, thì chúng ta xử lý như thế nào? Có hồi tố không? Hay sẽ áp dụng đối với các án kỷ luật từ sau khi Nghị quyết được ban hành. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo và Chính phủ khi hướng dẫn thi hành Nghị quyết cần quan tâm làm rõ.

 

NGỌC TUẤN (lược ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek