Thứ Hai, 30/09/2024 20:21 CH
Quốc hội thảo luận tổ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Thứ Bảy, 22/10/2022 21:00 CH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 22/10 các ĐBQH đã có buổi thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2022, dự toán nhân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương 2023, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương phát biểu gợi ý tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

 

Theo đó, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên được phân công làm Tổ trưởng Tổ 16 với 25 đại biểu, bao gồm Đoàn ĐBQH của các tỉnh Nghệ An, Tây Ninh và Phú Yên. Tham gia thảo luận có các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

 

Sau gợi ý thảo luận những nội dung trọng tâm của đồng chí Phạm Đại Dương, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 3 lượt phát biểu. Phú Yên Online trích đăng ý kiến của các đại biểu tại buổi thảo luận:

 

* Đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

 

Trên cơ sở các ý kiến gợi ý thảo luận của đồng chí tổ trưởng, tôi xin tham gia góp ý về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, có việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

 

Đại biểu Lê Văn Thìn phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: CTV

 

Tại Kỳ họp bất thường lần đầu tiên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó là Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. Cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu được giao theo Nghị quyết số 32/2021/QH15.

 

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ. Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020-2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo.

 

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngay khi Nghị định 31 có hiệu lực, các địa phương đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất và tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã; thực hiện đăng ký kế hoạch dự kiến hỗ trợ lãi suất và danh sách dự kiến các khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

 

Tuy nhiên, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng vẫn chưa như kỳ vọng. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, các địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là:

 

Thứ nhất, đối với một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đa ngành nghề, nhiều lĩnh vực, khó bóc tách, đặc biệt các ngành không phân tách được chi phí, gây khó khăn trong việc thu thập chứng từ, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn vay đối với số tiền được hỗ trợ lãi suất.

 

Thứ hai, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có ngành nghề sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất còn e ngại trong việc phải đối mặt với các hoạt động thanh tra, kiểm toán sau khi tham gia chương trình.

 

Thứ ba, nguyên tắc hỗ trợ lãi suất quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 31/2022/NĐ-CP: “Khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại”. Theo đó, các khách hàng cho vay hầu hết được đánh giá, thẩm định có khả năng trả nợ, tuy nhiên một số khách hàng không đáp ứng điều kiện về khả năng phục hồi. Một số ngân hàng gặp vướng mắc trong việc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh khách hàng bị ảnh hưởng khó khăn bởi hoạt động kinh doanh và khả năng phục hồi (như báo cáo tài chính, thời gian cung cấp báo cáo tài chính, kỳ năm tài chính…).

 

Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời có các giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến đối tượng, điều kiện, quy trình, thủ tục để được hỗ trợ lãi suất; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh kịp thời, hiệu quả, theo đúng quy định.

 

* PGS-TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

 

Tôi xin tham gia ý kiến tại buổi thảo luận này ở hai góc độ. Đó là, về chất lượng nguồn nhân lực và thể chế hóa một số quy định của Đảng, khuyến khích đổi mới vì cái chung.

 

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: CTV

 

Thứ nhất, về chất lượng nguồn nhân lực, hiện nay, Đảng, Nhà nước chúng ta đã đầu tư cho GD-ĐT với nỗ lực rất lớn, kể cả việc xã hội hóa, huy động hóa các nguồn lực. Qua khảo sát, hiện nay các cấp học đều đang có những khó khăn. Về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc diễn ra khá trầm trọng, nhất là thành phố lớn. Tỉ lệ 16.000 giáo viên bỏ việc mà Bộ trưởng GD-ĐT công bố trong cuộc tiếp xúc cử tri, chiếm khoảng 1% giáo viên, sự nghiêm trọng là 1% không phân bổ đều mà tập trung vào những vùng miền, cho nên có chỗ số giáo viên bỏ việc lớn.

 

Vừa qua, cấp thẩm quyền đã phân bổ tạo điều kiện về chủ trương cho ngành giáo dục thêm 27.000 biên chế trong năm nay nhưng nguồn tuyển chưa chuẩn bị, rất khó khăn. Chủ trương nếu như địa phương nào không tuyển năm nay thì sang năm không phân bổ chỉ tiêu, đây là vấn đề rất băn khoăn, vì nếu làm vội vàng thì sẽ để giáo viên chất lượng bỏ việc hoặc tinh giản, rồi sẽ tuyển giáo viên chưa đạt chuẩn, chưa đạt chất lượng vào công tác.

 

Về phân luồng học sinh, hiện nay đang thực hiện hướng các em học sinh sang học nghề nhưng đi khảo sát thì thấy nhiều nơi các trường dân lập mở ra chào đón các em vào để học chương trình phổ thông. Quá trình học này thì học phí cao hơn và chất lượng không đảm bảo. Các Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp các địa phương cấp huyện hiện nay có khi chỉ có 2-3 giáo viên dạy nghề, phương tiện, thiết bị không có nên rất khó khăn, thêm vào đó cũng lại dạy kiến thức phổ thông là chính. Vậy thì, rõ ràng đã có phân luồng nhưng không đồng bộ chính sách, dẫn đến chuyện chất lượng đào tạo, chất lượng học hành không đầy đủ, đẩy các em từ môi trường học hành tốt hơn sang học chương trình phổ thông với những điều kiện khó khăn hơn rất nhiều, chi phí của gia đình tăng lên, tương lai bấp bênh hơn.

 

Với bậc đại học hiện nay đang rất nhiều bất cập đặt ra, đặc biệt là trong việc thực hiện tự chủ đại học. Chúng tôi thấy một số nơi đang thực hiện thí điểm tự chủ đại học, yêu cầu các trường này thực hiện như doanh nghiệp. Ví dụ như đất khuôn viên trường đại học thì cuối cùng bây giờ tính thuê đất như với doanh nghiệp. Nếu đại học tính như doanh nghiệp thì lấy đâu ra trong khi nguồn thu chủ yếu là học phí. Cho nên tài sản công của các trường này là sử dụng rất khó khăn cho việc vận dụng để tăng nguồn thu, rất lãng phí. Theo các quy trình thủ tục hiện nay, tiền đất, mặt tiền đất vàng, bạc, kim cương tính theo thuế rất là nặng nhưng không được mở ra kinh doanh cái gì cả hoặc phải có đề án rất phức tạp, rủi ro rất cao.

 

Về mặt pháp lý và Luật Viên chức cũng vậy, nếu các trường này mở ngành đào tạo thì phải có giáo viên đúng chuyên ngành. Nhu cầu thị trường lao động thay đổi liên tục, nên khi chuyển đổi nghề đào tạo mới thì phải có vị trí việc làm. Thi tuyển viên chức phải làm nhưng khi mở ngành thì phải có viên chức, phải có người đáp ứng chuyên môn.

 

Việc đào tạo liên thông kiến thức cũng còn rất khó khăn, nhất là khi chúng ta chuyển Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về Bộ LĐ-TB-XH, tôi nghĩ câu chuyện đó cần có đánh giá rất căn cơ để chúng ta xem lợi hại và tránh những thiệt thòi về phía học sinh, phía nhân lực chất lượng cao về giáo dục.

 

Thứ hai, về thể chế hóa Kết luận 14 trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị gửi đến Quốc hội, chúng tôi thấy có 5 ý kiến nghị, trong đó có kiến nghị đề nghị sớm thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Kết luận 14 đã nêu rất rõ về việc khuyến khích đổi mới, khuyến khích sự sáng tạo vì lợi ích chung nên cần có sự thể chế hóa.

 

Mong rằng kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ được các cấp có thẩm quyền sớm lắng nghe và sớm có những chỉ đạo cụ thể, bài bản để đất nước chúng ta tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc do cơ chế để thực sự tạo được đà phát triển xứng tầm với tiềm năng, trí tuệ Việt Nam và với vị thế của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

* Đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

 

Về Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, tôi xin tham gia một số ý kiến. Thứ nhất, trọng tâm 3 trụ cột phát triển là kinh tế - xã hội - môi trường nhưng trong báo cáo lần này tôi thấy nội dung về bảo vệ môi trường chưa được đề cập phù hợp. Trong năm 2022, Chính phủ, Bộ TN-MT đã có những văn bản về quản lý, phân loại rác sinh hoạt và đề nghị các địa phương trong vòng 2 năm, đến 31/12/2024 là phải hoàn thành tổ chức phân loại rác, kèm theo đó là quy định về xử phạt vi phạm môi trường, có nội dung về phân loại rác ra đời, cử tri rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện, trong đó có đầu tư trang thiết bị để đáp ứng kịp thời sự thay đổi về kỹ thuật.

 

Một điểm nữa là về công nghệ, Bộ TN-MT cũng đưa ra hướng dẫn về các nguyên tắc lựa chọn công nghệ và cuối cùng là giao phần lựa chọn công nghệ về cho địa phương, trong khi, Bộ là đơn vị về mặt ngành dọc chuyên môn, thiết nghĩ cần phải hỗ trợ địa phương định hướng để lựa chọn công nghệ cho phù hợp. Theo đánh giá của cá nhân tôi thấy rằng, nguồn lực xã hội của mình rất lớn. Nếu có một chính sách tốt để khuyến khích lực lượng xã hội này tham gia chắc chắn là chúng ta không phải loay hoay trong việc lựa chọn và đầu tư xử lý chất thải rắn như hiện nay. Chính vì vậy, trong báo cáo kinh tế - xã hội, cần đánh giá khó khăn, vướng mắc của lĩnh vực môi trường. Đồng thời, để có sự chuyển biến về môi trường thì cũng cần rất quan tâm đến các chính sách năng lượng, đó là phát triển năng lượng tái tạo liên quan đến việc giải tỏa công suất của các dự án đã đầu tư. Việc không thể tiếp nhận hết toàn bộ công suất của dự án là một sự lãng phí rất lớn. Bên cạnh đó, các chính sách về tiết kiệm năng lượng cho đến thời điểm này không khuyến khích được các doanh nghiệp có sử dụng năng lượng thực hiện tiết kiệm thật sự. Chỉ cần có chính sách tốt thì chúng ta sẽ chuyển đổi rất nhanh. Và tôi nghĩ chuyển đổi năng lượng sẽ góp phần rất lớn trong việc đạt được thỏa thuận Cop 26 mà chúng ta cam kết.

 

Thứ hai, đó là vấn đề về tài chính vi mô. Hiện nay rất dễ dàng tìm thấy các phần mềm về đầu tư tài chính trên các nền tảng, với cách thức này thì bất kể một người nào cũng có thể tiến hành đầu tư. Nhưng thật sự rất khó để người dân biết được phần mềm nào là chính thống và tương tác với nhà đầu tư, đầu tư cho ai, quản lý như thế nào, có được Nhà nước bảo trợ hay không, có được cho phép hay không? Đây là loại hình đang tiếp cận với rất nhiều người dân, nếu không quản lý tốt thì sẽ gây tác động rất lớn, đặc biệt là những người tuổi cao, thu nhập trung bình và thấp, đang lựa chọn giải pháp tài chính để đầu tư tích lũy cho tương lai.

 

THÙY THẢO (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek