Sáng 18/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021.
Dự phiên họp còn có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe dự thảo tờ trình; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; báo cáo thẩm tra và thảo luận sôi nổi về việc đề nghị xây dựng các luật: Luật giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử; Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Trước phiên họp này, các bộ, ngành, cơ quan cũng đã có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ chủ trì xây dựng dự thảo các luật trên. Hầu hết các thành viên Chính phủ đồng ý với việc xây dựng các luật; đề nghị sớm hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào các kỳ họp trong các năm từ 2022 đến năm 2024.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến về nội dung đối với từng dự án luật; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo các luật để trình Quốc hội xem xét.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ thực hiện 3 đột phá chiến lược được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, trong đó có đột phá về thể chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Căn cứ tình hình, yêu cầu thực tế, những tháng qua, hằng tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật nhằm thể chế hóa, đưa chủ trương, đường lối của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ thảo luận theo nguyên tắc: việc xây dựng pháp luật phải căn cứ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ, bám sát thực tiễn. Pháp luật phải phát huy được dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo Thủ tướng, các luật phải được xây dựng trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đi đôi với trách nhiệm người đứng đầu, trong đó Chính phủ và các bộ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra...; luật pháp phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và giải quyết hài hòa lợi ích, trách nhiệm giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Các luật mới phải khắc phục được hạn chế, tháo gỡ vướng mắc của luật trước đây; phủ lấp khoảng trống về pháp lý; nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng tác động của các chính sách tới đối tượng mà luật điều chỉnh; phải có sự thống nhất giữa các luật liên quan...
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; yêu cầu các bộ, ngành tăng cường nguồn lực, bao gồm nguồn lực về con người, vật chất, điều kiện làm việc để tập trung nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật; nâng cao chất lượng tổ chức thực thi pháp luật; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu bộ chủ trì cần phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp này; đồng thời tiếp tục tổ chức các hội thảo để tranh thủ ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, đối tượng chịu điều chỉnh của các luật, kể cả địa phương, để bổ sung, hoàn thiện dự thảo; trên nguyên tắc kế thừa, đổi mới, phát triển...
Theo TTXVN/Vietnam+