Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống COVID-19, ĐBQH tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân đã có ý kiến tham gia thảo luận. Báo Phú Yên trích đăng ý kiến trên.
Quan tâm đến đời sống công nhân
Nếu đợt dịch vừa rồi công nhân có được những căn nhà, ký túc xá an toàn thì việc vừa kiểm soát dịch, vừa duy trì sản xuất là hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí thực hiện tốt. |
Tôi thống nhất và đánh giá cao các nội dung trong báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra. Phú Yên là một tỉnh phát sinh dịch từ những ngày đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ tư, vừa phòng, chống dịch trong tỉnh, vừa tổ chức đón gần 30.000 công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương. Có được điều đó là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng thông suốt từ trên xuống dưới của toàn hệ thống chính trị; sự tuân thủ kỷ luật trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phương pháp tổ chức thực hiện khoa học và đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ rất lớn của các tầng lớp nhân dân, tổ chức doanh nghiệp.
Đồng thời với việc tổ chức cách ly thông qua lực lượng từ tổ COVID cộng đồng, Phú Yên đã tổ chức ngay việc điều tra xã hội học, nắm thông tin và nguyện vọng của người lao động về nhu cầu việc làm để có định hướng và hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, điều kiện hiện nay của tỉnh chưa thể đảm bảo việc làm cho một lượng lao động lớn như vậy. Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương khi đón công dân trở về cũng đang trăn trở để người lao động trở lại công xưởng sớm nhất, an toàn nhất. Tôi kiến nghị một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần có sự kết nối sớm giữa các tỉnh có nhu cầu sử dụng lao động và tỉnh có nguồn lao động trong một chủ trương nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, có chính sách phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đón được những công nhân cũ của mình trở về một cách an toàn nhất và phục hồi sản xuất nhanh nhất. Tôi đã thấy TP Hồ Chí Minh tổ chức kết nối với các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định về lĩnh vực du lịch và tôi mong muốn có thêm nhiều cuộc làm việc chính thức như thế trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Thứ hai, cuộc chiến COVID-19 đã cho thấy đời sống an sinh xã hội của công nhân còn nhiều vấn đề cần được quan tâm ngay. Tôi rất đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về sự cấp thiết phải xây dựng nhà ở cho công nhân. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu đợt dịch vừa rồi công nhân có được những căn nhà, ký túc xá an toàn thì việc vừa kiểm soát dịch, vừa duy trì sản xuất là hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí thực hiện tốt. Như vậy, làm sao để các chính sách này thu hút được doanh nghiệp tiếp cận được với công nhân, các doanh nghiệp với hàng ngàn công nhân tiếp cận được với chính sách để bảo đảm ổn định an sinh cho lao động của mình? Trong bối cảnh hiện nay, rất cần có cơ chế, khẩn trương sửa đổi ngay các điều khoản bất cập, không nên chờ sửa đổi toàn bộ Luật Nhà ở.
Xem xét lại chỉ tiêu tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải
Ngoài ra, trong các báo cáo, tôi không thấy có nội dung về bảo vệ môi trường trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là việc đánh giá, xử lý chất thải y tế hay chống lây nhiễm trong việc thải bỏ khẩu trang, chất thải y tế trong sinh hoạt, nhất là khi chúng ta đang cho điều trị F0 tại nhà. Việc sử dụng khẩu trang là vật dụng thường xuyên hàng ngày như hiện nay với tập quán thải bỏ chất thải không được phân loại thì lượng khẩu trang lẫn trong rác thải sinh hoạt đưa ra bãi rác là rất lớn. Trong khi đó, việc xử lý chất thải sinh hoạt thô sơ, xử lý chất thải y tế đạt hiệu quả chưa cao sẽ tiềm ẩn những vấn đề ô nhiễm môi trường trong tương lai gần. Đề nghị Chính phủ quan tâm có chỉ đạo các bộ chuyên ngành hướng dẫn, giám sát đánh giá tình hình xử lý chất thải để có định hướng, giải pháp xử lý kịp thời.
Với định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022, tôi đề nghị xem xét lại chỉ tiêu tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Chỉ tiêu này không còn phù hợp, chưa thể hiện được sự đánh giá đầy đủ với hiện trạng bảo vệ môi trường hiện nay. Thu gom và xử lý là hai nội dung hoàn toàn khác nhau. Con số 89% chỉ thể hiện được vế thu gom, trong khi vế xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn còn rất hạn chế. Đồng thời, tôi đề nghị bổ sung nội dung về tái chế rác thải.
Với bối cảnh hiện nay tiến tới thu gom rác thải đạt 100% là hiển nhiên, bắt buộc. Điều cần quan tâm hơn là làm sao để tái chế và xử lý chất thải bền vững. Tái chế và xử lý chất thải là điểm yếu lớn và tồn tại lâu dài trong hoạt động bảo vệ môi trường của nước ta, nhưng lại là một trong những nội dung cơ bản để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn. Cần được quan tâm nhìn nhận, đánh giá một cách thực chất để triển khai các chính sách phù hợp. Khi làm tốt việc tái chế chất thải thì nỗi lo về nguồn lực để xử lý chất thải hay diện tích đất dành cho bãi thải như một số ĐBQH quan tâm sẽ được giải quyết.
-------------------------
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.