Từ ngày 2/9/1945, thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội đến nay, Việt Nam đã trải qua thời kỳ nổi bật nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Đó là quan điểm thống nhất của tất cả các chuyên gia Nga trong buổi tọa đàm với hãng tin Sputnik nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam.
Giáo sư, tiến sĩ Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Peterburg nhận xét: "Sau Cách mạng tháng Tám và 2/9/1945, Việt Nam đã đạt được những thành công rực rỡ. Đó là thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược và giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa. Đó là thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất đất nước. Việt Nam đã đạt mục tiêu thống nhất lãnh thổ quốc gia. Hiện Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, nhất quán bảo vệ lợi ích quốc gia và có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng".
Ông đồng thời nhắc lại việc trong năm 2020, Việt Nam một lần nữa đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Với việc Việt Nam chỉ có 1 phiếu chống tại cuộc bỏ phiếu kín ở Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bầu chọn nước ủy viên không thường trực cho thấy mức độ nhất trí cao chưa từng có trong lịch sử các cuộc bầu chọn tương tự ở Liên Hợp Quốc. Giáo sư Kolotov nhấn mạnh những yếu tố trên đã tạo nên uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khi đó, giáo sư, tiến sĩ Vladimir Mazyrin, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) đã đánh giá cao những thành quả kinh tế của Việt Nam với nhận định Việt Nam lọt vào tốp 20 nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Giáo sư Mazyrin nêu rõ: “Thành tựu chính của kinh tế Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường là sự bứt phá để vào nhóm các nước đang phát triển nhanh. Tôi muốn nói rằng Việt Nam là điển hình hiếm hoi về một đất nước phát triển đột phá thành công khi đuổi kịp các quốc gia phát triển hơn trong khu vực và trên thế giới nói chung".
Theo thống kê của ASEAN, trong 3 thập kỷ qua, thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở Việt Nam đã tăng gấp 27 lần và theo giáo sư Mazyrin, đây là một bước nhảy vọt. Việt Nam hiện đang thuộc hàng những nước có nền kinh tế phát triển ổn định nhất. Điều này đã được chứng minh trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành.
Trong khi tại phần lớn các nước trong khu vực, nhịp độ phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm sụt giảm rõ rệt, Việt Nam cơ bản vẫn duy trì được nhịp độ tích cực. Giáo sư Mazyrin dẫn ý kiến đánh giá chuyên gia cho rằng đến năm 2050, Việt Nam sẽ vào nhóm 20 nước tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất thế giới.
Hiện chỉ số này của Việt Nam đang ở vị trí thứ 32 - một thành công lớn nếu 75 và 35 năm trước Việt Nam từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Giáo sư Mazyrin bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành đất nước phát triển về kinh tế trước năm 2050.
Là một trong những chuyên gia Việt Nam học lão thành của Nga, tiến sĩ Evgeny Kobelev đã lần đầu tiên đến Việt Nam học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1958 và có chuyến đi gần nhất đến Việt Nam cách đây chưa đầy một năm. Ông chia sẻ: “Tôi đã được thấy một đất nước hoàn toàn khác so với lần gặp đầu tiên. Nhờ công cuộc Đổi mới, Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh kỷ lục ở khu vực".
Ông Kobelev nhận xét: “Song hành với tất cả những thay đổi tổng thể và cốt lõi trong cuộc sống và diện mạo Việt Nam, vẫn có điều không hề thay đổi, là tình cảm của người Việt Nam dành cho nước Nga, mối liên hệ tinh thần thiêng liêng và gắn bó của nhân dân các nước chúng ta.
Minh chứng cho điều này là hoạt động tích cực của Hội Hữu nghị Việt - Nga và Nga - Việt, sự tồn tại ở Việt Nam của tổ chức quần chúng như Hội Cựu sinh viên các trường Đại học Liên Xô và Nga, dàn hợp xướng của các cựu sinh viên thường xuyên biểu diễn các bài hát Nga tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều hội đoàn của các công dân Việt Nam từng sống, làm việc, học tập ở Liên Xô và Nga…”.
Theo TTXVN/Vietnam+