Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, ngày 27/8, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về công tác đối ngoại của Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm ngành ngoại giao Việt Nam dưới sự chủ trì của Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn, và sự tham dự của đại diện giới học giả, các nhà ngoại giao lão thành và cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam đang làm việc tại các bang ở Mỹ.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc khẳng định các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Mỹ đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy quan hệ với hai đối tác rất quan trọng là Liên Hợp Quốc và Mỹ, trong bối cảnh Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đồng thời làm tốt mảng công tác bảo hộ công dân trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Phạm Ngạc, người từng là đại sứ của Việt Nam ở nhiều nước trong thời kỳ ngành ngoại giao của Việt Nam còn hết sức non trẻ, đã chia sẻ những kinh nghiệm, những câu chuyện thời chiến hết sức xúc động và đáng nhớ của ông, nhất là thời gian ông tham gia đàm phán Hiệp định Paris và sau đó làm việc tại phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Ông khẳng định những năm tháng lăn lộn tại những vùng chiến sự cũng như những ngày đảm trách công tác ngoại giao còn rất mới mẻ của Việt Nam với các nước trong cộng đồng quốc tế đã giúp ông trưởng thành rất nhanh và sau này trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Liên Hằng, giáo sư gốc Việt hiện giảng dạy sử học tại Đại học Columbia, đã trình bày quan điểm của bà về những dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam từ những năm chiến tranh cho tới thời kỳ đổi mới và đặc biệt trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay dưới góc nhìn của một người nghiên cứu lịch sử.
Bà cho rằng công tác ngoại giao của Việt Nam qua nhiều thời kỳ đã rất thành công, thể hiện rõ qua sự hội nhập quốc tế sâu rộng, làm bạn với các nước, tạo được vai trò trên trường quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định lâu dài, và không ngừng nâng cao vị thế của đất nước.
Bà nhấn mạnh những thành công ngoại giao của Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của những người đứng đầu, gánh vác trách nhiệm hoạch định chính sách đối ngoại.
Trả lời câu hỏi của Đại sứ Hà Kim Ngọc rằng Việt Nam cần phải làm gì để không phải trải qua thêm một cuộc chiến tranh nào nữa trong tương lai, giáo sư Liên Hằng khẳng định bà tin tưởng Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để làm được điều đó nếu nhìn vào lịch sử và quá khứ đau thương Việt Nam đã trải qua, cũng như nhìn vào những gì Việt Nam đã làm được ngày nay trên cả khía cạnh phát triển kinh tế cũng như từ tạo lập được vị thế vững chắc trên trường chính trị, ngoại giao.
Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ sau hai năm đảm trách cương vị trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, có cơ hội làm việc và tiếp xúc với lãnh đạo và các đại diện ngoại giao của 193 nước trên khắp thế giới, ông nhận thấy Việt Nam có được sự tôn trọng rất lớn của cộng đồng quốc tế.
Theo ông, thành quả như vậy đạt được nhờ 5 lý do chính: Thứ nhất, đó là những gì Việt Nam đã làm được qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; đại diện tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc lúc đó và đóng góp vào sự chấm dứt Chiến tranh lạnh sau này.
Thứ hai, Việt Nam đã đổi mới thành công, từ một nước khó khăn về kinh tế, phụ thuộc hoàn toàn vào sự trợ giúp của nước ngoài, trở thành một nước có Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Những nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng như mục tiêu bình đẳng giới, vì quyền con người đã được chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ghi nhận gần đây.
Thứ ba, Việt Nam đã ứng xử hòa bình và đàng hoàng với các nước lớn cũng như các nước láng giềng; sau khi chiến tranh kết thúc đã chuyển biến được mối quan hệ từ thù địch thành bè bạn và đối tác tin cậy.
Thứ tư, Việt Nam luôn chung thủy với bạn bè, nhất là với những bạn bè quốc tế đã cùng Việt Nam đi qua những thời khắc khó khăn của chiến tranh.
Thứ năm, Việt Nam chủ động hội nhập và luôn cố gắng tuân thủ theo luật pháp quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+