Chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 47.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sau 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của Phiên họp thứ 47.
Trong thời điểm cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp theo đúng tinh thần có giãn cách, chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Trong từng nội dung làm việc, các đại biểu đều phát biểu với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp, các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan hoàn thiện những nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, chuẩn bị trình Quốc hội những nội dung đủ điều kiện; đồng thời chuẩn bị những nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 48 và Phiên họp thứ 49 theo đúng kế hoạch, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ công việc.
Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030
Tờ trình chiến lược do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày nêu tầm nhìn xây dựng Kiểm toán Nhà nước xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Kiểm toán Nhà nước thực hiện sứ mệnh là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan; góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách do Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải trình bày nêu rõ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành chiến lược. Về mục tiêu “Nguồn nhân lực của Kiểm toán Nhà nước ổn định từ 2.600-2.700 người", Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị chỉ nên đưa ra định hướng chung về biên chế do Kiểm toán Nhà nước quyết định sau khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và xu hướng phát triển trong từng thời kỳ.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng việc đề xuất nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sẽ gặp thách thức vì Kiểm toán Nhà nước không phải là chuyên ngành kinh tế - xã hội, còn kiểm toán nói chung đã có các trường đại học, học viện khác đào tạo. Việc nâng cấp trường thành học viện sẽ trùng lắp và phải cạnh tranh tuyển sinh với các trường đầu ngành có truyền thống.
Việc nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính là cần thiết, nhưng cần thuyết minh rõ hơn và bảo đảm khi nâng cấp không làm tăng biên chế. Việc nâng cao chất lượng kiểm toán không đồng nghĩa với việc tăng số lượng tiến sĩ, thạc sĩ, vì vậy cần cân nhắc khi đưa tỉ lệ cơ cấu trình độ vào chiến lược.
Cho ý kiến vào các nội dung này, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, nhất là từ khi Hiến pháp năm 2013 có quy định riêng về vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước.
Kết quả, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị kiểm toán nhiều thông tin, kiến nghị có giá trị; góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính công và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công; góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hình ảnh, uy tín, vị thế, vai trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với đề xuất nâng Ban Tài chính thành Vụ Tài chính; nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán. Tuy nhiên, việc nâng cấp học viện phải thực hiện đúng trình tự thủ tục, như bổ sung vào mạng lưới các trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được sự đồng ý của các cơ quan liên quan. Học viện cần gắn thực tiễn đào tạo với công tác nghiên cứu khoa học.
Về biên chế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chiến lược giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu tổng biên chế là 3.600 người, nên việc nêu biên chế tối đa 2.700 người trong chiến lược 10 năm tới của Kiểm toán Nhà nước là hợp lý. Sau đó, tùy từng thời kỳ, tùy nhu cầu thực tiễn, biên chế cụ thể của Kiểm toán Nhà nước sẽ do cơ quan có thẩm quyền duyệt.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ nâng cấp Học viện Kiểm toán, đồng thời đề nghị nhấn mạnh thêm yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích về Kiểm toán Nhà nước; mở rộng lĩnh vực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm toán.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng về lâu dài, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước ngày càng tăng, khối lượng công việc ngày càng lớn, nếu nguồn nhân lực không đáp ứng được thì khó thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, không nên đưa số lượng biên chế cụ thể vào chiến lược, mà chỉ đưa số lượng tối đa là 2.700 người và cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định phù hợp với từng giai đoạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng các nước xung quanh trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia đều đã có Học viện Kiểm toán. Trong xu thế hội nhập và trước yêu cầu thực tiễn về quy mô đào tạo cũng như công tác nghiên cứu khoa học, việc nâng cấp Học viện Kiểm toán là cần thiết...
Sau khi cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết về nguyên tắc thông qua việc ban hành Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).
Cũng trong chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo TTXVN/Vietnam+