Chiều 2/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các ban, bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Dự buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sau thời điểm phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng đến nay, nguy cơ lan rộng dịch bệnh xuất hiện nhiều nơi không chỉ có Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế, lãnh đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều biện pháp kịp thời, tăng cường các chuyên gia, đội ngũ y tế tinh nhuệ để có mặt tham gia công tác phòng, chống dịch.
Để ngăn ngừa tình trạng lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có ổ dịch trong cộng đồng; quyết tâm thực hiện được mục tiêu kép trong lúc toàn cầu gặp khó khăn.
Đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội kiên quyết xét nghiệm trên diện rộng, truy vết bằng công nghệ thông tin, đã kiểm soát cơ bản tình hình, Thủ tướng đặt vấn đề giãn cách xã hội cần được triển khai phù hợp tránh tình trạng “tất cả các khu vực đều giãn cách xã hội”.
Cùng với đó là tiếp tục vận động nhân dân rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, truy vết, xét nghiệm mở rộng...
Thủ tướng hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tạm dừng kinh doanh một số ngành nghề nhạy cảm, dễ lây lan dịch bệnh. Cùng với đó là triển khai những phương thức phù hợp truy vết các đối tượng; cân nhắc hình thức triển khai kỳ thi Trung học phổ thông sắp tới đảm bảo an toàn, chất lượng giáo dục.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc đến những tấm gương tốt, tấm lòng nhân ái thời gian qua như VinGroup trao tặng 100 máy thở cho Đà Nẵng, các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch... “Đây là truyền thống quý báu của dân tộc cần phát huy”, Thủ tướng nói.
Sau khi lắng nghe ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao quan điểm, định hướng công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương và yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Chỉ thị mới của Thủ tướng thay thế Chỉ thị 16 và 19 về phòng, chống COVID-19 để phù hợp với tình hình mới.
Nhận xét các địa phương đã có nhiều cách làm đa dạng trong ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh, nhất là chủ động khoanh vùng các ổ dịch tại Đà Nẵng, Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh có khả năng sẽ lan rộng nếu không có biện pháp khoanh vùng phù hợp, kịp thời.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp với tinh thần “không được lơ là, chủ quan”, “huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để chỉ đạo triển khai”.
Cùng với đó là khởi động lại hệ thống y tế sẵn sàng phòng chống dịch một cách chủ động hơn, phát huy thành công từ các biện pháp khoanh vùng dập dịch từ trước; Tăng cường kiểm soát khu vực biên giới; Các bệnh nhân nặng cần được điều trị tốt để giảm nguy cơ tử vong.
Tinh thần là thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, giám sát y tế đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu bình tĩnh, chủ động, kiên quyết, ngăn chặn làn sóng thứ 2 COVID-19 tại Việt Nam theo tinh thần không để lây lan trên diện rộng; không chủ quan nhưng không hoang mang, bị động. Đi liền với đó là những địa phương chưa áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải đảm bảo sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy nền kinh tế.
Trước tình hình diễn biến của dịch ở cấp độ mới, có thể diễn ra trên diện rộng, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm mới: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. Chúng ta cần bào vệ chính mình, gia đình mình và địa phương mình cư trú”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định y tế, đặc biệt là những vùng có ổ dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để ngăn ngừa, phòng chống lây nhiễm, truy vết nhanh; khuyến khích thúc đẩy việc dạy và học trên nền tảng trực tuyến; ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa việc chuyển đổi số, khám bệnh từ xa, dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đảm bảo an toàn khu vực các cơ sở y tế, bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm minh những tin đồn, tin giả về dịch bệnh. “Không thái quá, không ngăn sông cấm chợ, không được công bố cách ly xã hội mà chưa có các phương án phù hợp, chưa có ổ dịch xuất hiện”, Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu cần có tính toán chặt chẽ trước khi tuyên bố giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý, trừ những ổ dịch thì cần làm cương quyết, mạnh mẽ.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành địa phương làm tốt hơn nữa các gói hỗ trợ an sinh, tài khóa để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức chính trị xã hội tăng cường các hình thức vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch.
Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép theo đường mòn, lối mở, đặc biệt là các đường dây đưa người nước ngoài vào Việt Nam trái phép theo quy định của pháp luật.
Về phương án cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chỉ đạo cụ thể căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương, có phương án riêng cho các địa phương có ổ dịch, đang thực hiện cách ly đảm bảo các kỳ thi theo đúng quy định và an toàn với các phương án chặt chẽ.
Thủ tướng cũng mong muốn người dân không hoang mang lo lắng; cần tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia.
Cùng với đó, các địa phương phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các sự cố khi có ổ dịch xuất hiện; tăng cường áp dụng các quy định, hướng dẫn y tế nhất là khi tham gia giao thông công cộng, trên các chuyến bay...
Theo TTXVN/Vietnam+