Thứ Tư, 15/01/2025 11:44 SA
Phát biểu của Thủ tướng tại cuộc gặp trí thức, nhà khoa học, nghệ sĩ
Thứ Sáu, 31/07/2020 10:06 SA

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020), chiều 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong cả nước.

 

PYO trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp mặt này:

 

"Thưa đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,

 

Thưa các đại biểu trí thức, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ,

 

Thưa toàn thể các đồng chí,

 

Hôm nay, trong không khí phấn khởi hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020), tôi rất vui mừng được gặp hơn 200 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đại diện cho giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của nước nhà.

 

Tôi hoan nghênh Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan đã tổ chức cuộc gặp quan trọng này với chương trình hết sức phong phú và ý nghĩa. Đặc biệt, tôi được gặp nhiều vị có tên tuổi, những người nổi tiếng lâu nay mà chúng ta thường gặp trên phim ảnh, báo đài.

 

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi xin gửi tới các đồng chí, các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cùng toàn thể đội ngũ làm công tác tuyên giáo cả nước những tình cảm sâu nặng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

 

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,

 

Công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác xây dựng Đảng, bao gồm chính trị, tư tưởng, và tổ chức; đóng vai trò đi trước-mở đường, bảo đảm cho sự trường tồn và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

 

Trong đó, công tác tuyên giáo hay công tác chính trị tư tưởng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giáo dưỡng tinh thần, giác ngộ tư tưởng, xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đến các thắng lợi vẻ vang cho đất nước ta mà trực tiếp là hai cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cả trong công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày nay.

 

Ngay khi Đảng vừa mới ra đời, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với các lãnh tụ của Đảng đã rất quan tâm và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng, xem đây là một chiếc chìa khóa bảo đảm cho sự lãnh đạo cách mạng thắng lợi của Đảng ta.

 

Tôi xin nêu ví dụ thú vị về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, đó là ngày 22/12/1944, khi thành lập đội tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, chính Bác Hồ đã thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên gọi “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân".

 

Qua đó, nói lên cuộc kháng chiến của chúng ta là sự nghiệp của toàn dân, thể hiện sự kế thừa chiến lược chiến tranh nhân dân mà tổ tiên chúng ta, các bậc tiền nhân đã luôn phát huy trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

 

Trải qua 90 năm với nhiều biến cố và bước ngoặc của đất nước, đi cùng với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc, ngành Tuyên giáo đã nhiều lần thay đổi tên gọi để thích ứng với bối cảnh từng giai đoạn nhưng bản chất và sứ mệnh lịch sử không hề thay đổi.

 

Công tác tuyên giáo bao quát nhiều mặt trong lãnh đạo, quản lý đất nước và trong đời sống kinh tế-xã hội như nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị; bảo vệ và phát huy nền tảng hệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm trì trệ, bảo thủ, lạc hậu, sai trái, thù địch; tuyên truyền, cổ động; văn hóa - văn nghệ, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại; giáo dục, khoa học, công nghệ, các vấn đề xã hội.

 

Trong điều kiện đất nước hòa bình và ra sức phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, vai trò của ngành tuyên giáo không hề giảm đi, mà càng phải được làm nổi bật, tô điểm hơn cho những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 

Vai trò “đi trước - mở đường” trong phát triển kinh tế - xã hội ngày nay của ngành Tuyên giáo cũng quan trọng to lớn không kém giai đoạn trước đây.

 

Tôi nhớ cách đây đúng 10 năm, trong lễ kỷ niệm 80 năm truyền thống ngành Tuyên giáo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - khi đó là Chủ tịch Quốc hội - đã đặt ra cho ngành Tuyên giáo chín nhiệm vụ mới mà ngành Tuyên giáo cần đi sâu nghiên cứu, tổng kết, vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện cụ thể của thời kỳ mới.

 

Đến nay, có thể nói ngành Tuyên giáo đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao mà minh chứng đậm nét là từ những đóng góp vào những thành tựu chung về kinh tế - xã hội cho đến những tiến bộ về mặt nhận thức tư tưởng không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn trong quần chúng nhân dân.

 

Có thể khẳng định, những thành tựu cách mạng vĩ đại của Đảng ta suốt hơn 90 năm qua có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo, mà trực tiếp là những người làm công tác tuyên giáo.

 

Cán bộ Tuyên giáo không phải là “quan cách mạng” mà là những chiến sĩ dũng cảm, kiên trung trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, như Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

 

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều hình thức vinh danh nhưng cần vinh danh nhiều hơn nữa, dưới nhiều hình thức hơn nữa, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, để xứng đáng với các thành tựu cách mạng vĩ đại của Đảng, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước.

 

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,

 

Dấu ấn 90 năm sắp trọn một thế kỷ của ngành Tuyên giáo có vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ chúng ta.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong từng giai đoạn lịch sử, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, đóng góp công sức, tài năng và trí tuệ, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

 

Ngay từ những năm 1930, với chủ trương xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước, đông đảo trí thức trẻ yêu nước và tiến bộ thời kỳ đó như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đã hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

 

Sau khi giành lại độc lập, tự do, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước đã phát huy vai trò tiên phong sáng tạo, sát cánh cùng giai cấp công nhân, nông dân và toàn dân tộc tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

 

Lớp lớp trí thức, văn nghệ sĩ cùng với quân dân cả nước đã giác ngộ lý tưởng, hăng hái tình nguyện nhập ngũ, “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu.

 

Với khẩu hiệu “Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”, văn nghệ sĩ, trí thức cả nước tiến hành một cuộc dấn thân triệt để.

 

Mỗi văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học tự đứng vào một vị trí, tự gánh lấy một trách nhiệm, tự làm đầy một lẽ sống.

 

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

 

Mặt trời chân lý chói qua tim”

 

Nhiều nhà văn, trí thức trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở nhiều chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu Đông, Việt Bắc, Điện Biên Phủ… Nhiều người đã hy sinh anh dũng như nhà văn - chiến sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh…

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ tạo nên “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” (Thơ Lê Anh Xuân), tô thắm hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”, “anh giải phóng quân”.

 

Từ khi đất nước thống nhất đến nay, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Việt Nam cả trong và ngoài nước đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để sáng tạo, sáng tác.

 

Nhiều nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ đã tham gia xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước, xác định mô hình và hoàn thiện thể chế trong từng thời kỳ; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn và phát huy các hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam; thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa.

 

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng và 2019 xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đứng thứ 3 trong ASEAN.

 

Trong đại dịch COVID-19 nguy hiểm và đang gây hậu quả rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ nước nhà đã kịp thời vào cuộc, kịp thời nghiên cứu phát triển bộ kit xét nghiệm, phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa...

 

Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội, cả trong nước và quốc tế trong phòng, chống dịch.

 

Công tác tuyên giáo đã tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, góp phần tạo sự đồng thuận của toàn dân, thu hút được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời làm lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, đóng góp rất quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên có được “trạng thái bình thường mới”.

 

Chúng ta có thể tự hào khẳng định, bằng tài năng, công sức và tâm huyết, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học của Việt Nam đã góp phần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam không còn là tên gọi một cuộc chiến tranh mà thực sự đã trở thành biểu tượng của tinh thần vì hòa bình, một hình mẫu đổi mới, luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng hùng cường, không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới như mong ước của Bác Hồ năm xưa.

 

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,

 

Dân tộc ta có truyền thống quý trọng hiền tài, khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn trân trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển cả về số lượng, chất lượng nhằm đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

 

Điều này được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đề cương Văn hóa năm 1943… và gần đây có rất nhiều nghị quyết quan trọng khác.

 

Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc.

 

Trong điều kiện khó khăn vẫn tiếp tục thực hiện và sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ, trí thức có cống hiến…

 

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền luôn trân trọng, ghi nhận những công lao, đóng góp và dành sự quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa-văn nghệ của nước nhà.

 

Nhiều tổ chức văn hóa, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học đã được trao tặng các danh hiệu, giải thưởng vinh dự nhà nước: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; các Hội chuyên ngành ở Trung ương và địa phương được tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác...

 

Chúng ta cần có thêm nhiều hình thức vinh danh và tưởng thưởng xứng đáng hơn nữa cho đội ngũ nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là kiến tạo môi trường tự do sáng tạo.

 

Tôi nghĩ không có phần thưởng nào được đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ đón nhận nhiệt thành hơn “phần thưởng” này. Chúng ta thường nói nhiều đến vai trò, những đóng góp và đòi hỏi của chúng ta đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ thì chúng ta cũng nói đến những nguyện vọng của các nhà trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ đối với chúng ta.

 

Tại buổi gặp mặt trân trọng hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp mặt nhiều gương mặt tiêu biểu, xuất sắc, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu… có nhiều đóng góp ở các lĩnh vực như: các nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng; có những người cả giành trọn cả cuộc đời gắn bó với văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc như giáo sư, tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, cũng là đại biểu cao niên nhất; có những người nghiên cứu chuyên sâu về một mảng lễ hội như giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Lý; có những nhà khoa học mạng tầm quốc tế như tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, được bình chọn top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2019; có nhà khoa học được nông dân yêu mến như giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan và hàng trăm gương mặt tiêu biểu khác mà tôi đã nghe đến hoặc có may mắn được gặp, được nói chuyện hay có dịp giới thiệu trong nhiều hội nghị trước đây.

 

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,

 

Trong xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của kinh tế tri thức, cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những đột phá và có ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội.

 

Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, không phải đất đai mà là con người với chất xám và khả năng sáng tạo của mình mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất. Tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác thì càng sinh sôi, nảy nở.

 

Khả năng và nhu cầu của các nhà khoa học, giới trí thức, văn nghệ sĩ là sáng tạo. Sứ mệnh của những người làm tư tưởng là tạo điều kiện để sự sáng tạo được khai phóng, bay lên.

 

Thiết nghĩ đó cũng chính là lý do vì sao có sự kiện gặp gỡ đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ được tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo hôm nay.

 

Tuy nhiên cùng cần nói thêm rằng, những kết quả, thành tựu do đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đóng góp là rất quan trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

 

Đội ngũ trí thức tuy đã gia tăng về số lượng và trình độ, nhưng còn thiếu trí thức đầu ngành, tổng công trình sư, các chuyên gia có khả năng chủ trì thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu lớn của quốc gia và quốc tế.

 

Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị cao về những thành tựu có tính lịch sử của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Vẫn còn một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ.

 

Cá biệt, còn một số cá nhân, nhóm trí thức, văn nghệ sĩ chưa mạnh dạn, thẳng thắn, ngại bày tỏ chính kiến, thậm chí né tránh hoặc lợi dụng danh nghĩa để đưa ra các ý kiến, quan điểm sai trái. Một số ít trường hợp háo danh, hám lợi đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín chung của những nhà trí thức chân chính.

 

Nhiều văn nghệ sĩ thoát ly ra khỏi đời sống nhân dân, do đó bị mất đi nguồn nhựa sống để sáng tác. Như Bác Hồ từng dặn: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu các nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta”.

 

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin tưởng và sự kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ mà tiêu biểu là hơn 200 đại biểu đang có mặt tại đây, đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của cả nước.

 

Mong rằng các đồng chí, các bác, các anh chị tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc như di nguyện của Bác Hồ cách đây hơn 50 năm.

 

Tôi cũng xin nói thêm, trong một thế giới phẳng, thách thức đặt ra đối với văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học là sự gìn giữ, bảo tồn và phát huy các gia trị văn hóa, lịch sử truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan.

 

Đây là thách thức lớn bởi xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa có thể tác động làm phai nhạt những giá trị văn hóa có tính cội nguồn. Hàng nghìn năm nay, cha ông chúng ta luôn biết cách đẩy lùi mọi âm mưu đồng hóa của nước ngoài.

 

Các văn nghệ sĩ, nhà trí thức ngày nay cũng chính là những chiến sĩ, luôn đề cao cảnh giác và tinh thần đấu tranh trên mặt trận này, phải biết cách truyền cảm hứng, khơi dậy trong giới trẻ về cội nguồn, về văn hóa truyền thống của dân tộc, về lý tưởng phụng sự quốc gia độc lập, tự cường, thịnh vượng.

 

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,

 

Chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội sẽ vạch ra những định hướng chiến lược cho phát triển đất nước trong 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045 và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

 

Trong toàn bộ tiến trình đó, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu đề xuất, phản biện chính sách... phục vụ xây dựng, hoạch định và triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

 

Một dân tộc giàu chưa hẳn là một dân tộc mạnh, một dân tộc mạnh phải là một dân tộc có khả năng trường tồn. Một dân tộc mạnh thì phải có quyết tâm để trở thành một dân tộc giàu.

 

Một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, một dân tộc đã sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh nhân văn hóa, trong đó nhiều danh nhân được thế giới tôn vinh, một dân tộc đã hiển hách chống lại hàng trăm cuộc xâm lăng của ngoại bang để trường tồn, thì đó phải là một dân tộc mạnh.

 

Dân tộc đó quyết không thể để thế giới coi thường như một dân tộc bạc nhược, quyết không thể là một dân tộc nghèo được. Đây cũng chính là sứ mệnh mà tất cả chúng ta cùng với ngành Tuyên giáo, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của chúng ta cùng chung tay lãnh ấn.

 

Tôi xin nhấn mạnh đây là nhiệm vụ sống còn, là thể diện, niềm tin, niềm tự hào và tinh thần dân tộc, phải luôn nằm trong tiềm thức, chảy trong huyết quản của mỗi văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học chúng ta.

 

Càng nhìn sâu hơn vào quá khứ, chúng ta sẽ càng nhìn thấy được xa hơn về tương lai. Hôm nay chúng ta nhớ lại các chặng đường của 90 năm qua, mà mới nhất là chặng đường 10 năm vừa mới đi qua, chúng ta sẽ có thể nhìn trước được 10 năm nữa - năm 2030 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cũng là 100 năm ngành Tuyên giáo, chúng ta sẽ thế nào?

 

Điều này không chỉ phụ thuộc vào những gì ngành Tuyên giáo kế tục sẽ làm mà còn là những gì chúng ta đang làm hiện nay.

 

Với những nét son chói sáng của ngành Tuyên giáo trong 90 năm qua được tô điểm bởi các nhà lãnh đạo tiền bối, các nhà làm công tác tuyên giáo qua các thời kỳ, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức để làm cho nét son đó chọi lọi hơn nữa.

 

Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta sẽ còn phát huy hơn nữa truyền thống của ngành, sẽ giành được các thành tựu lớn hơn, vinh quang hơn nữa, như là món quà thật ý nghĩa cho lễ kỷ niệm “Bách niên” của ngành trong 10 năm nữa.

 

Trong không khí vui mừng kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo, một lần nữa thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi chúc các đồng chí, các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các “anh chị em” văn nghệ sĩ - như cách gọi gần gũi thân thương của chúng ta - thật nhiều sức khỏe, tràn đầy năng lượng sáng tạo và phát huy cao nhất tài năng, trí tuệ để tiếp tục có nhiều sáng tác, công trình hữu ích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển bền vững đất nước.

 

Xin trân trọng cảm ơn".

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek