Năm 2020 là một năm ý nghĩa đối với Việt Nam trong quá trình hợp tác ASEAN khi vừa là Chủ tịch luân phiên lần thứ ba, vừa kỷ niệm 25 năm gia nhập ASEAN.
Ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN, đánh dấu mốc mở ra triển vọng cho sự liên kết toàn khu vực cũng như đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế của Đông Nam Á.
Gia nhập ASEAN được coi là bước đột phá đối với Việt Nam, tạo nền tảng cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia xu thế toàn cầu hóa cũng như tự do hóa thương mại.
Nâng cao vị thế
Sau 25 năm tham gia ASEAN, mối quan hệ hợp tác khu vực giữa Việt Nam với ASEAN ngày càng phát triển toàn diện và có tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế-xã hội và chính trị của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác khu vực và thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN năm 2019 đạt 57 tỉ USD, tăng gấp 10 lần cách đây 25 năm và chiếm tỉ trọng 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Bên cạnh đó, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đáng lưu ý, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang ASEAN đạt gần 25 tỉ USD, tăng 1,3% so với năm 2018 và tăng 30% so với năm 2016.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước ASEAN chỉ đạt 9,8 tỉ USD. Dù vậy, theo nhận định của các doanh nghiệp, bên cạnh những khó khăn, dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội để nông sản Việt Nam chinh phục thị trường Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, do ảnh hưởng dịch COVID-19, Thương vụ đã chủ động kết nối với hiệp hội ngành hàng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Singapore. Chỉ trong tháng 3/2020, Thương vụ đã kết nối được hơn 20 đơn hàng cho một số mặt hàng nông sản.
Đặc biệt, từ đầu năm nay, xuất khẩu rau, quả sang thị trường Thái Lan tăng mạnh. Trong đó, 4 tháng đầu năm xuất khẩu rau, quả sang Thái Lan đạt gần 58 triệu USD, tăng hơn 244% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhận định về thị trường ASEAN, Vụ Thị trường Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết trước năm 2010, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường ASEAN chủ yếu là các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo. Đến nay, mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN rất phong phú.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang ASEAN là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng... với nhiều ngành có lợi thế cạnh tranh bộc lộ.
Một số mặt hàng có hàm lượng công nghệ như thiết bị ảnh, thép mạ và tàu đã xuất hiện trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế.
Ngoài ra, một số sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam như hàng dệt may, giày dép, thủy sản, càphê, cao su cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường ASEAN.
Sự gia tăng trong xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN do 2 yếu tố, một là nhu cầu thị trường tăng và hai là khai thác các lợi thế có sẵn.
Trong sáu tháng đầu năm 2020, do chịu tác động của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN ở ngưỡng 25 tỉ USD, giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thị trường cung ứng hậu đại dịch vẫn hứa hẹn còn nhiều cơ hội tốt xâm nhập thị trường ASEAN và khu vực.
Hiện nay, Indonesia, Thái Lan và Philippines là ba thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam nhiều nhất với chủng loại hàng hóa khá đa dạng.
Trong khi Thái Lan ưa chuộng trái cây khô, hàng dệt may của Việt Nam thì Indonesia và Philippines lại có nhu cầu nhập khẩu nhiều đối với máy phát điện, máy bơm nước, thiết bị viễn thông...
Ngoài ra, ASEAN cũng đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào ASEAN đạt 1,1 tỉ USD, tăng 8,5% so với năm 2018; trong đó, Philippines và Malaysia là hai khách hàng chính.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo tại khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hơn nữa, các mặt hàng thủy sản, cà-phê, rau, quả... của Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng xuất hiện ở thị trường các nước ASEAN hậu dịch COVID-19.
Dấu hiệu tăng trưởng thương mại giữa ASEAN và Việt Nam tuy đã chững lại, nhưng thành quả mà hội nhập kinh tế ASEAN mang lại cho Việt Nam vẫn rất tích cực.
Nhận định từ các chuyên gia cũng cho thấy Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã mang lại cho Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức lớn.
Thị trường xuất khẩu thông thoáng nhưng hàng hóa ở “sân nhà” đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khối. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn phát triển ổn định, bền vững buộc phải tái cơ cấu đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phát Thành VI - cho hay xuất khẩu vào thị trường ASEAN nói chung, Philippines nói riêng các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, số lượng; đồng thời, chú trọng đến tính bền vững với khách hàng.
Còn theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại dịch vụ Quy Phúc, để hàng hóa, sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường ASEAN, doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh, theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực...
Đây là khâu quan trọng, bởi sản phẩm của mỗi nước, mỗi doanh nghiệp đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị toàn cầu.
Kỳ vọng 2020
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này trong thời gian tới, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên, Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá và chuyển dịch cấu trúc sản phẩm, đồng thời tăng cường quan tâm thương mại dịch vụ và đầu tư cũng góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Do một số nước trong ASEAN có mức tương đồng cao về cấu trúc, Việt Nam cần sẵn sàng đón nhận và tích cực tham gia vào quá trình dịch chuyển vốn trong nội khối ở những nhóm ngành hàng này và chủ động hợp tác với các nước ASEAN xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế ra thị trường thế giới.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam có trọng trách dẫn dắt và hợp tác với các nước đối tác để cùng phục hồi, thúc đẩy kinh tế toàn khu vực phát triển, như việc đưa ra các Tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác và hạn chế tác động của dịch COVID-19 giữa các nước ASEAN và các nước đối tác trong khu vực.
Theo bộ trưởng, tất cả những điều đó đòi hỏi vai trò của Chủ tịch ASEAN, đủ sức nắm bắt và điều hành, cùng với các nước ASEAN khẳng định lại một lần nữa ở cục diện mới, sự kết nối, liên kết để đảm bảo khả năng chống chọi với môi trường mới, tiếp tục tạo ra sức sống mới cho ASEAN cũng như cho các khung khổ hợp tác của ASEAN với các nước đối tác.
Hiện ASEAN có 6 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác, đây là những khuôn khổ hợp tác rất lớn, có thể tác động rất mạnh mẽ vào cấu trúc của thương mại toàn cầu.
Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam, ASEAN cùng các nước đối tác dự kiến sẽ ký kết tại Việt Nam trong năm 2020, chắc chắn cũng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới của thương mại khu vực và quốc tế.
Vì vậy, những sáng kiến ưu tiên của Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, sẽ có khoảng từ 16-17 sáng kiến được thực hiện trong năm 2020, trải rộng ra và bao trùm lên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, kể cả việc hoàn thiện về thể chế, hệ thống hạ tầng, hạ tầng phần cứng, hạ tầng mềm cũng như sự liên kết nội khối trong ASEAN.
Tuy nhiên, để tiếp tục hướng tới phát triển và hợp tác khu vực bền vững, công cuộc hội nhập kinh tế ASEAN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần có những định hướng, chính sách phù hợp.
Cụ thể, Việt Nam cùng các nước khẳng định và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc điều phối các hoạt động hợp tác kinh tế trong khu vực; thúc đẩy việc xây dựng các khuôn khổ hợp tác mang tính ổn định, bền vững.
Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc điều chỉnh các chương trình hợp tác trong ASEAN một cách phù hợp với tình hình mới, nhất là thông qua việc đánh giá giữa kỳ quá trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.
Theo TTXVN/Vietnam+