Ban Dân vận Trung ương vừa phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TAND Tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo về kết quả thực hiện công tác hòa giải cơ sở của Bộ Tư pháp, qua 6 năm thi hành Luật Hòa giải cơ sở, công tác này đã đi vào nề nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội bằng phương thức giải quyết tranh chấp xung đột một cách nhân văn, ít tốn kém, hiệu quả bền vững. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Đồng thời hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với gần 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên, gần 900.000 vụ việc đã được hòa giải trong thời gian qua có nhiều ý nghĩa sâu sắc, là minh chứng sinh động về hiệu quả của hoạt động hòa giải trên cả nước.
Tại hội nghị, một số ý kiến cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác hòa giải ở cơ sở như: Một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở không còn phù hợp; chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa đều, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; công tác hòa giải cơ sở chưa gắn kết với công tác dân vận...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần phát huy văn hóa dân tộc, tăng cường tình làng, nghĩa xóm, mối liên kết tình cảm của văn hóa làng xã. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải cơ sở, trong đó xem hòa giải cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại.
HÀ ANH