Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 7/7 đã họp trực tuyến mở về chủ đề “Hoạt động hoà bình và Quyền con người” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer.
Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Michelle Bachelet, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tại phái bộ Nam Sudan (UNMISS) David Shearer và đại diện một tổ chức phi chính phủ Senga Dismas Kitenge đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tại cuộc họp, Việt Nam nhấn mạnh các hoạt động gìn giữ hòa bình hỗ trợ nước chủ nhà cần tuân thủ các nguyên tắc trên cũng như tôn trọng các đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hoá sở tại.
Các báo cáo viên đã điểm lại tình hình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong hoạt động hoà bình tại các phái bộ được giao nhiệm vụ này; kêu gọi các nước tăng cường cam kết chính trị và nguồn lực cho lĩnh vực này.
Nhiều nước thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản của hoạt động hoà bình và vai trò của quốc gia trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như vấn đề hoạt động hoà bình cần chú trọng bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương trong xung đột.
Về việc tuân thủ kỷ luật của lực lượng gìn giữ hoà bình, các nước đều thống nhất khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo và giám sát lực lượng gìn giữ hoà bình trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định liên quan đến quyền con người.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động hòa bình và việc nước chủ nhà có trách nhiệm hàng đầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Đại sứ yêu cầu các phái bộ phải bảo đảm tính chính xác và trung lập của việc thu thập thông tin trong quá trình giám sát, báo cáo và phân tích về tình hình thực hiện quyền con người; nhấn mạnh việc bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương trong bối cảnh các cuộc xung đột diễn ra ở khắp nơi.
Đại sứ cũng lưu ý lực lượng gìn giữ hoà bình phải là lực lượng tiên phong trong việc tuân thủ các quy tắc, kỷ luật của Liên Hợp Quốc, được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cả trước và trong giai đoạn đóng quân.
Hiện 6 phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc (tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Mali, Darfur, Nam Sudan, và Kosovo) cùng 6 phái bộ chính trị (tại Iraq, Libya, Guinea Bissau, Somalia, Afghanistan và Haiti) đều có bộ phận phụ trách quyền con người.
Bộ phận này có nhiệm vụ giám sát, điều tra và phân tích về quyền con người và công bố các báo cáo định kỳ; ngăn ngừa các vi phạm nhân quyền; phản ứng trước các vi phạm, trong đó có đưa ra khuyến nghị, hỗ trợ cải cách thể chế và xây dựng năng lực, tăng cường các cơ chế đảm chịu trách nhiệm.
Bộ phận này cũng phối hợp với các bộ phận khác trong phái bộ để thực hiện các nhiệm vụ liên quan như bảo vệ thường dân, giải quyết các bạo lực tình dục, bạo lực chống lại trẻ em, hỗ trợ công lý trong giai đoạn chuyển tiếp.
Theo TTXVN/ Vietnam+