Báo chí cách mạng là công cụ của Đảng, có nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đồng thời thể hiện sinh động quan điểm, đường lối của Đảng. Báo chí cách mạng vừa là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức tập thể, vừa là nhà giáo dục có trí tuệ bách khoa, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng. Báo chí nếu được sử dụng đúng đắn sẽ tạo ra sức mạnh rất to lớn.
Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc và cộng sản quốc tế, mà còn là nhà báo vĩ đại. Người đã sáng lập Báo Thanh Niên (1925), khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và là người thầy của các thế hệ nhà báo nước ta.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, báo chí cách mạng phát triển trong khói lửa đấu tranh, trong lao tù, trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Bảo đảm tính khách quan, chân thực
Công cuộc đổi mới đất nước đã tạo ra sự đổi mới của báo chí. Sự đổi mới của báo chí đã góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đất nước. Báo chí và đội ngũ nhà báo luôn luôn nêu cao tính đảng, nắm vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng... |
Trong xã hội có giai cấp, bất luận ở thời đại nào, báo chí cũng đều có tính đảng. Tính đảng là nguyên tắc nền tảng của công tác tư tưởng nói chung và của báo chí nói riêng. Hệ tư tưởng nào cũng có tính giai cấp và được truyền bá bằng báo chí, và do đó mới có tính đảng vô sản hay tính đảng tư sản của báo chí. Báo chí cách mạng phải nêu cao tính đảng cộng sản trong mọi hoạt động của mình.
Tính đảng của báo chí cách mạng thể hiện ở chỗ, nó phải đi tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng và nhiệm vụ của Đảng, nói tiếng nói trung thành của Đảng và quần chúng đi theo Đảng đối với sự nghiệp cách mạng.
Báo chí mang tính đảng cộng sản, trước hết phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng cho mọi hoạt động của mình. Điều đó có nghĩa là báo chí quán triệt trong nội dung của mình lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cách mạng.
Tính đảng của báo chí cách mạng, một mặt phải bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mặt khác đấu tranh một cách kiên quyết chống lại những tư tưởng thù địch, những quan điểm sai trái, những hiện tượng tiêu cực. Ở phương diện này, tính đảng cũng có nghĩa là tính chiến đấu. Tính chiến đấu của báo chí cách mạng thể hiện trên ba mặt: đấu tranh phê bình và tự phê bình, đấu tranh lý luận và đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội. Phát huy tính chiến đấu của mình, báo chí đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Báo chí còn phải làm tốt nhiệm vụ của một trong những lực lượng nòng cốt đấu tranh chống lại những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như của mỗi cá nhân. Song công khai phê bình và tự phê bình những khuyết điểm trên báo là việc không dễ dàng đối với các tác giả bài báo và cả người là đối tượng của phê bình. Đó là chưa kể những trường hợp phức tạp hơn, khó khăn hơn là phê phán, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực.
Tính công khai trên báo chí chỉ có sức hấp dẫn mạnh khi nó nói lên tiếng nói trung thực của Đảng, của nhân dân, khi nó có tác dụng thức tỉnh lương tâm của những người đang đứng trước khả năng lựa chọn xấu, khi nó biết nhân danh công lý để vạch mặt bọn người mà trái tim của chúng đã hóa thành đá, khi nó biết biểu dương cái chân - thiện - mỹ trong cuộc sống đấu tranh và lao động của nhân dân. Công khai trên báo chí chỉ có hiệu lực khi nó gắn liền với công bằng. Uy tín của báo chí càng cao khi báo chí bảo đảm tính khách quan, chân thực, khi báo chí công khai phê bình với lương tâm trong sáng, trách nhiệm cao, với trí tuệ sáng suốt và lòng nhân đạo cao cả.
Thực tế, trong quá khứ, đã có một thời gian dài, báo chí nặng về đăng tin, ảnh về lễ tân. Đã có một thời, khuynh hướng chính của báo chí là một chiều biểu dương cái thiện, cái tốt. Nêu lên cái tiêu cực, cái xấu là điều kiêng kỵ trên các trang báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nhận xét báo chí ta: “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”(1).
Chiến sĩ tiên phong trong công cuộc đổi mới
Báo chí cách mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ cho lợi ích của cách mạng. Đây là nguyên tắc cơ bản đảm bảo tính đảng trong hoạt động của báo chí và nhà báo. Tính đảng trong báo chí ở nước ta được thể hiện trong mối quan hệ giữa báo chí với chính trị. Đó là sự gắn bó của báo chí với đường lối chính trị và tổ chức của Đảng.
Tính đảng của báo chí cách mạng thể hiện ở nhiều mặt, nhưng quan trọng nhất là thể hiện trong suy nghĩ và hành động của nhà báo. Tất cả những yêu cầu về tính đảng thể hiện trên báo chí phụ thuộc trước hết vào nhà báo, vào lương tâm và trách nhiệm của nhà báo.
Gắn bó với cách mạng, bảo vệ cách mạng là truyền thống quý báu của đội ngũ nhà báo chân chính nước ta. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước suốt 30 năm, đội ngũ nhà báo nước ta đã xông pha trên khắp các chiến trường với tư thế của người dũng sĩ với lý tưởng cao cả. Nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh. Có thể nói lịch sử báo chí cách mạng nước ta là lịch sử đấu tranh kiên cường của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ. Không có đội ngũ nhà báo đáng quý đó thì cũng không thể có báo chí cách mạng.
Lênin đòi hỏi: “Chúng ta ra sức phấn đấu và theo dõi một cách chặt chẽ nhất để tính đảng không phải chỉ thể hiện ở lời nói, mà là ở việc làm”(2).
Tính đảng của báo chí đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng đường lối, quan điểm của Đảng, lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính vì dựa trên cơ sở của lý luận Mác - Lênin mà tính đảng cộng sản gắn chặt với tính khoa học. Đặc điểm khoa học của hệ thống tư tưởng Mác - Lênin cho phép nhà báo, khi nắm được nó, có khả năng gắn kết lập trường của Đảng với chân lý khách quan, giúp nhà báo nhận rõ các khuynh hướng phát triển của xã hội và khám phá những khả năng sáng tạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Tất cả những yêu cầu về tính đảng thể hiện trên báo chí phụ thuộc trước hết vào nhà báo, vào lương tâm và trách nhiệm của nhà báo. Nhà báo phải không ngừng phấn đấu để xứng đáng là chiến sĩ tiên phong trong công cuộc đổi mới, xứng đáng là nhà báo cách mạng có tính đảng cao…
Trong tình hình hiện nay, khi mà toàn cầu hóa kinh tế với cả hai mặt tích cực và tiêu cực đang tác động mạnh mẽ, mặt trái của cơ chế thị trường đang tạo ra sự phân hóa các nhóm lợi ích trong xã hội thì báo chí càng phải đương đầu với nhiều thách thức. Nhà báo phải thường xuyên ý thức về tính đảng của báo chí cách mạng, giữ gìn phẩm chất nghề nghiệp và đạo đức trong sáng của người cầm bút - người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Biểu hiện cao nhất, bản chất nhất tính đảng của báo chí là tính chiến đấu.
Lênin đòi hỏi báo chí vô sản phải có một “tính đảng thẳng thắn, trung thực và triệt để”. Tính đảng của báo chí theo cách hiểu thông thường nhất là: Báo chí tự giác và vững vàng đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, trở thành tiếng nói thể hiện quyền lợi của giai cấp công nhân và mọi tầng lớp nhân dân lao động, đồng thời chịu sự lãnh đạo và tuyên truyền, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng.
Về mặt tư tưởng, tính đảng đòi hỏi báo chí phải tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến và hình thành dòng tư tưởng chủ lưu tiến bộ trong xã hội mà nền tảng khoa học là học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính đảng đòi hỏi báo chí và nhà báo tiến hành công tác đó với tinh thần tự giác và tay nghề cao. Tính đảng của báo chí cũng đòi hỏi báo chí và nhà báo phải trực tiếp tham gia xây dựng một đời sống tinh thần trong sáng và phong phú trong xã hội. Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là một trong những phẩm chất hàng đầu của người làm báo, nhưng vẫn chưa đủ, nếu như không có năng lực nghề nghiệp.
Đảng lãnh đạo báo chí và báo chí tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng là nhằm mục đích để báo chí phát huy quyền tự do thông tin của báo chí; mặt khác, thông qua báo chí, Đảng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Sự lãnh đạo của Đảng tạo điều kiện cho báo chí phát triển và cống hiến nhiều nhất cho nhân dân, đất nước, đồng thời qua đó Đảng kịp thời phát hiện, uốn nắn những thiếu sót của báo chí, ngăn chặn những âm mưu của kẻ thù lợi dụng báo chí để phá hoại cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí vừa là nguyên tắc, vừa là điều kiện để báo chí làm tròn chức năng của mình, xứng đáng là công cụ của Đảng và diễn đàn của nhân dân...
Lịch sử giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có báo chí. Những người làm báo, chủ thể của hoạt động báo chí, không được quên trách nhiệm xã hội của mình, không xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của báo chí, càng không thể xa rời sự định hướng thông tin của Đảng trong từng thời kỳ.
Làm báo là làm cách mạng đòi hỏi phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách và pháp luật Nhà nước, đi sát thực tế, tiếp cận được cuộc sống và phải có thái độ khoa học, nghiêm túc trong nghiên cứu, học tập.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí và nhà báo nước ta đã có những đóng góp rất to lớn góp phần xứng đáng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sau hơn 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến nay, lực lượng báo chí và nhà báo đã phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Những người làm báo hôm nay luôn luôn gắn bó với truyền thống vẻ vang của báo chí Việt Nam, luôn luôn lấy sự nghiệp báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hoạt động chính trị - nghiệp vụ để tự rèn luyện mình trở thành ngòi bút chiến đầu cho sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
--------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1996 - T 10 - tr 614.
(2) V.I.Lê-nin Toàn tập - NXB TB - Matxcơva - 1974 - T 19 - tr 140.
NGUYỄN XUYẾN