Thứ Ba, 21/01/2025 14:40 CH
Học tập Bác Hồ trong giáo dục thiếu niên nhi đồng
Chủ Nhật, 31/05/2020 11:00 SA

Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Ảnh: Internet

Tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục thiếu niên, nhi đồng là một bộ phận quan trọng, được Đảng ta vận dụng để lãnh đạo chuẩn bị sự nghiệp cách mạng kế tiếp, quyết định sự thành công trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

 

Trước hết, sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ được bắt nguồn từ tình cảm yêu thương vô bờ bến đối với dân tộc, đồng bào, các tầng lớp nhân dân. Chính vì lẽ đó, Người đã hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Tình yêu thương thiếu niên nhi đồng chính là điểm xuất phát và là lý do chính để Bác Hồ đặt ra tính cấp thiết phải giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Lúc nào Người cũng hết mực lo lắng cho tương lai của các cháu. Người viết: “Ở nước Việt Nam ta, thì vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”(1).

 

Lúc sinh thời, hễ có thời gian rảnh hoặc nhân các ngày lễ, Bác Hồ luôn đến với thiếu niên, nhi đồng bằng tình cảm yêu thương sâu sắc. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”(2).

 

Theo Bác, thiếu niên và nhi đồng là chủ nhân tương lai của đất nước. Người khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà”(3). Người yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và tất cả mọi lực lượng quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng: “… chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”(4). Trong bài Em bé Triều Tiên, Người viết: “Em bé Việt Nam, các cháu Bác Hồ, cũng nhiều em anh hùng. Trẻ con anh hùng chứng tỏ cả dân tộc anh hùng. Với chí khí anh hùng do lòng yêu nước và tinh thần quốc tế hun đúc, nhất định đánh tan được bọn đế quốc tham tàn”(5).

 

Từ tầm quan trọng của công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng đối với tương lai đất nước, dân tộc; Người căn dặn: “Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc”(6).

 

Bác Hồ với Đội thiếu nhi dũng cảm miền Nam. Ảnh: Internet

 

Mục tiêu giáo dục thiếu niên, nhi đồng theo Bác là phải hướng đến mục tiêu đào tạo thiếu niên, nhi đồng thành những công dân có ích cho xã hội: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

 

Về nội dung giáo dục thiếu niên và nhi đồng, Bác Hồ yêu cầu phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng một cách toàn diện. Người căn dặn: “Yêu quý các em, chúng ta phải lấy tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em “5 điều yêu”: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quý của công. Chúng ta phải khéo nuôi dạy, giúp cho nhi đồng phát triển sức khỏe và trí óc, thành những trẻ em có “4 tính tốt”: hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà”(7) . Bác yêu cầu phải giáo dục đầy đủ cả đức và tài, phải vừa hồng lại vừa chuyên; bao gồm cả trí, thể, mỹ, đức để tạo nên một công dân tương lai toàn diện cho đất nước.

 

Phương thức giáo dục thiếu niên, nhi đồng phải kết hợp các hình thức giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó người lớn phải nêu gương sáng cho thiếu niên, nhi đồng noi theo. “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”(8). “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo; phát huy vai trò của cán bộ phụ trách thiếu nhi trong giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

 

“Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết, đó là một triệu chứng già sớm nên tránh)”(9). Phải tập hợp thiếu niên, nhi đồng trong các tổ chức và thông qua các tổ chức để giáo dục các cháu. Vừa giáo dục các em theo tinh thần cách mạng, vừa coi các em là một lực lượng cách mạng. Người khẳng định vai trò của tổ chức trong việc tập hợp và giáo dục thế hệ trẻ: “Nhờ sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng và Đoàn, nhiều chiến sĩ, anh hùng thanh niên đã nảy nở trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc toàn dân kháng chiến và trong việc xây dựng nước nhà hiện nay”.

 

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thiếu niên và nhi đồng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương giáo dục thiếu niên, nhi đồng, ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”! Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.

 

Bản thân mỗi chúng ta trước hết phải học Bác ở lòng thương yêu thiếu niên, nhi đồng vô bến, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải dành cho các cháu một tình thương cao nhất. Nhận thức sâu sắc vai trò của các cháu thiếu niên, nhi đồng đối với hiện tại cũng như tương lai lâu dài của đất nước. Từng ngày, từng giờ chăm sóc thiếu niên, nhi đồng về văn, thể, mỹ, trí, đức để các cháu trở thành những người có ích cho đất nước, cho xã hội. Phải đấu tranh với các hiện tượng xã hội tiêu cực, các tư tưởng sống thực dụng, hẹp hòi, dạy cho các cháu biết nhường nhịn, hy sinh, biết phải trái mà trưởng thành.

 

Trong mọi cử chỉ, hành động của người lớn luôn là tấm gương soi sáng để mỗi thiếu niên, nhi đồng học tập, noi theo. Người lớn, anh chị, cô thầy, cha mẹ, ông bà… biết làm việc tốt, gương mẫu, đạo đức thì cháu con cũng học tập làm theo thành gia đình tốt, nhà trường tốt, đất nước vững mạnh, Tổ quốc an thái bền vững.

 

-------------

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

(2), (3), (4), (5): Sđd, tập 15.

(6): Sđd, tập 7

(7): Sdd, tập 12

(8): Sdd, tập 13

(9): Sđd, tập 9

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek