Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này.
Thí điểm đạt nhiều kết quả tích cực
Những nội dung quy định trong dự thảo luật trình Quốc hội là một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp. Cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành.
Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 29 điều, bao gồm các quy định chung; hòa giải viên; trình tự thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án luật, Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức thí điểm về tăng cường, đổi mới hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổng kết thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm trong nước và quốc tế về những nội dung có liên quan; tổ chức các phiên họp của ban soạn thảo, tổ biên tập dự án luật; đánh giá tác động và xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của dự án luật; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành hữu quan, các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án trên toàn quốc…
Trong đó, việc thí điểm công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thu được những kết quả tích cực; các vụ việc hòa giải, đối thoại thành đạt tỉ lệ khá cao.
Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau
Trong quá trình thảo luận cho thấy, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn còn một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau như kinh phí hòa giải, đối thoại tại tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; việc hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Về phạm vi hoạt động của hòa giải viên, theo nội dung của khoản 1 Điều 10 và khoản 4 Điều 15 dự thảo luật thì: Hòa giải viên chỉ được hoạt động giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án nơi họ đã được bổ nhiệm (tức là chỉ nằm trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án đó).
Qua thảo luận có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật. Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên theo hướng Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải tại các Tòa án khác ngoài Tòa án họ đã được bổ nhiệm nhưng phải trong phạm vi cấp tỉnh.
Quy định như vậy tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được Hòa giải viên mà họ tín nhiệm. Đồng thời, với phạm vi hoạt động của Hòa giải viên trong một đơn vị cấp tỉnh, thì Tòa án vẫn có điều kiện đánh giá, giám sát chặt chẽ chất lượng Hòa giải viên và kịp thời đề nghị chánh án có thẩm quyền miễn nhiệm những Hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc.
Một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng các bên được lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.
Theo quy định này thì phạm vi hoạt động của Hòa giải viên giới hạn trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án, bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ giữa Hòa giải viên với Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc, đề cao trách nhiệm quản lý của Tòa án đối với Hòa giải viên và tạo điều kiện cho Hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đối với tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên (Điều 9), dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định Hòa giải viên, Đối thoại viên ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu thì những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên.
Trong thảo luận, một số ý kiến tán thành quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Hòa giải viên tại Tòa án, bởi lẽ đây là chế định đặc biệt nên cần thu hẹp nguồn bổ nhiệm theo hướng nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ Hòa giải viên.
Một số ý kiến khác cho rằng, đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, dự thảo luật chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình (hoặc thời hạn 5 năm) mà không cần giới hạn phải đủ 10 năm kinh nghiệm; bởi lẽ, nhiều trường hợp luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm Hòa giải viên.
Dự thảo luật không quy định việc Nhà nước thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự (Điều 6). Nhiều ý kiến tán thành quy định này vì thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội; đồng thời, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Hơn nữa, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, vì vậy trước mắt Nhà nước chưa nên thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án để khuyến khích người dân lựa chọn. Thực tiễn thí điểm cũng cho thấy việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với 3 trường hợp: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí liên quan đến phiên dịch tiếng nước ngoài.
Theo TTXVN/Vietnam+