Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890-19/5/2020), chúng tôi có dịp ra thăm Lăng Bác và về quê hương Nam Đàn của Người. Chuyến đi đã để lại cho tôi những tình cảm sâu lắng, những cảm xúc tôn kính, trìu mến yêu thương cùng với niềm tự hào lớn lao đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta.
Về bên Bác Hồ
Tác giả viếng Lăng Bác nhân dịp sinh nhật Người (19/5/2020). Ảnh: CTV |
Từ Phú Yên tôi ra Thủ đô Hà Nội, theo dòng người đón xe về Quảng trường Ba Đình. Tháng 5, Hà Nội nắng nóng từ sáng sớm, mồ hôi nhễ nhại; tôi bước lên xe buýt số 29, lòng rạo rực hân hoan của một người con lâu ngày về với Thủ đô yêu dấu, đường mới, phố mới hiện nhanh trước mắt, tôi lạc vào dòng người, xe cộ…
Đến cổng Lăng Bác số 05 Ngọc Hà, sau khi qua khu nhà chờ, dãy hành lang dài, Quảng trường Ba Đình lịch sử và lăng Bác, nơi yên nghỉ của vị Cha già kính yêu, một “vầng thái dương” của dân tộc Việt Nam hiện ra uy nghi, chúng tôi theo dòng người “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” vào lăng viếng Bác.
Cũng như nhà thơ Viễn Phương, ấn tượng đầu tiên đối với tôi là hình ảnh “những hàng tre xanh xanh Việt Nam”, những hàng tre xanh ngát và cao vút, mặc cho bao “bão táp mưa sa” hàng tre ấy “vẫn đứng thẳng hàng” như những người con trung hiếu đã bao năm rồi vẫn đứng canh giữ giấc ngủ nồng say của Bác. Ai cũng bùi ngùi xao xuyến, xúc động. Những câu chuyện, những lời nói lắng lại dần, đến khi không ai còn thì thầm gì nữa. Đoàn người lặng lẽ, thành kính chầm chậm đi qua nơi Bác nằm.
Bác nằm đó, dáng như đang ngủ yên bình với chòm râu dài, mái tóc bạc phơ. Trái tim Bác như vẫn còn đập hòa với nhịp đập trái tim của dòng người đi bên Bác. Không gian như lắng đọng bởi những tình cảm của chúng con đối với Bác Hồ. Ngắm nhìn Bác, nhiều người đã sụt sùi, kín đáo gạt nước mắt… Phút giây ngắn ngủi bên Bác sao mà thiêng liêng đến thế!... Kính chúc Bác Hồ kính yêu tròn 130 tuổi!
Rời lăng Bác, chúng tôi tiếp tục theo dòng người vào thăm “cõi Bác xưa”. Đó là Phủ Chủ tịch, có “Đường Xoài hoa trắng nắng đu đưa”, có Nhà sàn đơn sơ nhưng chan chứa hơi ấm của Người. Ở mỗi nơi ấy đều lưu lại những giá trị tình cảm của Bác đối với nhân dân, đủ các thành phần, tầng lớp, lứa tuổi.
Ở đâu trên trái đất này có được một vị lãnh tụ như Người? Đây đôi dép cao su mòn đế, kia tấm áo ka-ki đã sờn vai. Những hình ảnh một con người giản dị mà vĩ đại để lại muôn vàn tình thương cho nhân dân. Rời “cõi Bác xưa” để trở lại trước Quảng trường Ba Đình thênh thang đầy nắng và gió, hoa cỏ ngát hương càng thấu hiểu rằng lăng Bác đã trở thành niềm tin, thành sức mạnh cho đồng bào cả nước, là hơi ấm tình thương cho toàn dân tộc. Ở nơi ấy, từng ngày, từng ngày những người con Việt Nam và khách quốc tế vẫn nối tiếp về Thủ đô viếng Bác. Ai ai cũng một lòng thành kính vị Cha già của dân tộc. Từ lần đầu tiên được đến viếng thăm nơi Bác yên nghỉ, được tận mắt nhìn thấy Bác cho đến lần này đã là lần thứ 5 rồi nhưng mỗi lần viếng, mỗi lần tôi thêm xúc động, tự hào về Bác Hồ kính yêu.
Nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm trong quần thể di tích về Bác Hồ bao gồm Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, khu Nhà sàn - Ao cá và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng về Bác được trang trí trang trọng, tôn nghiêm. Những hiện vật được trưng bày lần lượt theo từng giai đoạn cuộc đời và từng chặng đường trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác. Có làng Sen, làng Hoàng Trù nơi sinh ra cậu Nguyễn Sinh Cung, có hình con tàu Đô đốc Latouche -Tréville đánh dấu sự ra đi chắc chắn hẹn ngày về thắng lợi của chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành với hoài bão, chí lớn. Có cả Luận cương Chính trị của Đảng Cộng sản do Lênin viết, khi đọc luận cương này Người đã khóc: “Hạnh phúc là đây, cơm áo đây rồi!”. Có những áng văn chương hòa quyện giữa chính trị và nghệ thuật do Bác viết như: “Tuyên ngôn Độc lập”, tuyệt phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”… là những văn kiện lịch sử đặc biệt quan trọng như ngọn hải đăng soi sáng, chỉ đường dẫn lối cho con thuyền Cách mạng Việt Nam.
Mỗi lần thăm khu di tích lịch sử về Bác, chúng tôi luôn thấy được nâng cao lòng tự hào về Bác Hồ kính yêu, về dân tộc Việt Nam, vun đắp quyết tâm rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, tích cực làm việc, góp phần xây dựng Việt Nam “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Bác.
Về quê hương Bác lòng thêm tự hào
Nắng tháng 5. Trời Nam Đàn trong xanh vời vợi. Ngào ngạt hương sắc sen hồng tỏa ra từ hai phía những ao làng. Những đóa sen vươn cao tắm nắng ban mai thơm ngát quyện vào không gian đầy ắp hương lúa ngày mùa, những hàng cau thẳng tắp, vút cao đan xen giữa những ngôi nhà ngói mới, tạo nên một vẻ đẹp đồng quê nồng nàn, căng tràn sức sống.
Làng Sen quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thuở thiếu thời của Bác, khiến du khách đến thăm luôn có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động: bộ phản gỗ, những chiếc chõng tre là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai con trai, chiếc giường trong căn buồng là của bà Thanh con gái cụ, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen gác trên cái cũi đựng đồ ăn, cái bếp bằng kiềng ba chân... Tất cả những vật dụng đó như là nhân chứng biết nói về tuổi thơ của Bác Hồ ở nơi đây với tuổi thơ êm đềm trôi trong sự giáo dục nghiêm cẩn của cha và tình yêu thương, đức hy sinh cao cả của mẹ.
Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan, một người mẹ tảo tần và vĩ đại, đã hết lòng vì chồng vì con, mặc dù vất vả trăm bề vì cuộc mưu sinh, nhưng vẫn toàn tâm lo chồng ăn học thành tài và chăm lo đàn con nhỏ. Bà mất vì lao lực, vì làm việc quá sức lúc vừa 33 tuổi. Khi mất vẫn không nhìn thấy mặt chồng, để lại cho đàn con niềm tiếc thương vô hạn.
Giọng chị hướng dẫn viên nhẹ nhàng tha thiết như điệu hò xứ Nghệ, trìu mến như khúc hát ru bên nôi “như câu ví năm nao Bác đòi nghe lại”. Có cái gì như là rưng rưng trên ánh mắt những khuôn mặt của tất cả du khách... Phải chăng, miền quê khổ nghèo nhưng nghĩa tình và giàu truyền thống yêu nước cộng với những ưu việt trong lối giáo dục gia đình nhân bản ấy đã hình thành nên nhân cách một con người vĩ đại? Và phải chăng tất cả những điều vĩ đại ấy đều chứa đựng trong con người Nguyễn Sinh Cung - Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Từng gốc tre hồn hậu đến bờ hoa râm bụt thắm đỏ, từng hàng cau vươn mình thẳng đứng vút lên trong nắng đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thấm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi người niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, về một nhân cách giản dị mà vĩ đại rất đáng tự hào...
Chuyến ra thăm Lăng Bác, hành hương về thăm quê Bác, thăm vùng đất Nghệ Tĩnh địa linh nhân kiệt, bất khuất trung hậu, thực sự trở thành hành trình đi tìm và khẳng định những giá trị vĩnh hằng của một con người đã hiến dâng cả đời mình với ước mơ vươn tới những chân trời tươi sáng cho đồng bào, cho dân tộc. Chuyến đi đã củng cố, khẳng định niềm tin lớn lao vô tận đối với Bác Hồ kính yêu, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta.
Trong tâm khảm tôi khắc sâu thêm lời nguyền sống, làm theo lý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã soi sáng chỉ đường.
NGUYỄN BÁ THUYẾT