Thứ Năm, 23/01/2025 11:59 SA
Tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội
Thứ Ba, 19/05/2020 11:41 SA

Toàn cảnh kỳ họp của Quốc hội - Nguồn: TTXVN

Ngày mai, 20/5/2020, sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp diễn ra vào những ngày tháng 5 lịch sử, trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thành công tốt đẹp, cả nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 130 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.

 

Đây là kỳ họp giữa năm 2020 và cũng là năm thứ năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, năm chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ). Điều đặc biệt, kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp thành hai đợt.

 

Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020). Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8-18/6/2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18/6/2020.

 

Mặc dù đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành họp trực tuyến nhưng các hoạt động của đại biểu như đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết... vẫn diễn ra bình thường, theo đúng quy định pháp luật. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.

 

Theo thông lệ, trong chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội tập trung hơn nửa tổng thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

 

Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết 10 dự án luật, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Các dự án luật được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu hay thông qua tại kỳ họp này có tác động rất sâu rộng đến đời sống xã hội và được cử tri rất quan tâm.

 

Những dự luật thu hút sự theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân cả nước như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng... đã được ban soạn thảo, các cơ quan thẩm tra chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở lắng nghe các ý kiến góp ý đa chiều của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, ý kiến nhân dân...

 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét lần đầu 6 dự thảo luận được người dân quan tâm như: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Cư trú (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường... Các dự thảo Luật này đã được các cơ quan hữu quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp.

 

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết một số dự thảo: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức;

 

Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác nhân sự...

 

Về hoạt động giám sát tối cao, tại Kỳ họp 9, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết Nghị quyết về nội dung này. Báo cáo giám sát chuyên đề bao quát năm nội dung lớn: Đánh giá tình hình chung về xâm hại trẻ em; Công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm; Những giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

 

Một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét tại kỳ họp là Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong báo cáo này có đề cập tới nội dung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các giải pháp ứng phó, phương án phát triển kinh tế - xã hội.

 

Một số nội dung khác được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp gồm: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

 

Đáng lưu ý, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể như thông lệ. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

 

Trong 19 ngày làm việc, với những nội dung nghị sự quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhiều mặt tới đời sống nhân dân, đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự nghiên cứu để tiếp tục đổi mới cải tiến cách thức tổ chức kỳ họp của Quốc hội, qua đó tạo nền tảng, Kỳ họp thứ 9 sắp tới sẽ tạo tiền đề cho những hoạt động hiệu quả tiếp theo của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek