Thứ Sáu, 24/01/2025 01:57 SA
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - lời dặn của Người sáng mãi với thời gian
Chủ Nhật, 17/05/2020 11:00 SA

Cán bộ và nhân dân về dâng hương tại Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) nhân dịp sinh nhật của Người năm 2019 . Ảnh: MINH NGUYỆT

Vào tháng 5/1946, trong thời điểm vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn công tác sang Pháp đàm phán hòng cứu vãn nền hòa bình quá mới mẻ; đồng thời kéo dài thời gian thỏa hiệp để chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh sắp tới đối với kẻ thù. Trước khi đi, Bác giao quyền Chủ tịch nước cho Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng và dặn dò: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ và anh em giải quyết cho. Mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”(*).

 

Phương châm hành động cách mạng đúng đắn

 

GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, phân tích: “Dĩ bất biến” tức là nguyên tắc phải giữ vững, nhất quán và triệt để; “ứng vạn biến” là linh hoạt, uyển chuyển cho phù hợp với thực tế, thời cuộc. Câu nói đó của Bác kế thừa từ những nhà tư tưởng lớn, nhưng nói lên tính chất biện chứng trong tư duy của Hồ Chí Minh.

Thực hiện lời dặn của Người, trong thời gian Bác công cán ở Pháp, chính phủ của nước cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á mà đứng đầu là cụ Huỳnh Thúc Kháng đã xử lý, giải quyết thành công mọi khó khăn, bất ổn về an ninh, chính trị mà nhà nước non trẻ lúc bấy giờ phải đối mặt.

 

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” có nghĩa là: Lấy cái không thay đổi để ứng phó với vạn điều thay đổi. Nói cách khác, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa và chặt chẽ giữa tính kiên định, vững chắc (bất biến) của mục tiêu, lý tưởng cách mạng với tính linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo (ứng vạn biến) trong thực hiện chiến lược, sách lược, đường lối cách mạng qua từng thời kỳ lịch sử. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” đòi hỏi người cán bộ cách mạng phải luôn đứng trên quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và lợi ích của quốc gia, dân tộc mà ứng phó và vượt qua, chiến thắng mọi khó khăn, cản ngại trong quá trình thực hiện sự nghiệp cách mạng. Đây là phong cách công tác đòi hỏi người cán bộ không những có lập trường, quan điểm vững vàng mà còn phải biết nắm bắt thời cơ để đề ra, thực hiện các phương án, giải pháp xử lý hiện thực sao cho đạt kết quả tốt nhất.

 

Thấm nhuần lời dặn của Bác, trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiến đấu bảo vệ biên cương phía Nam, phía Bắc và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hôm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cán bộ, nhân dân đấu tranh chiến thắng vẻ vang các thế lực ngoại xâm; thực hiện giang sơn nối liền một dải; xóa bỏ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp; đẩy mạnh và thực hiện thành công đường lối đổi mới, làm cho vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

 

“Dĩ bất biến” phòng, chống COVID-19

 

Trong những ngày cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19, quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được thể hiện sinh động và đầy sức thuyết phục. Chiều 4/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh “Chống dịch như chống giặc”. Đây là quan điểm cốt lõi, là tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động (dĩ bất biến), là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta hơn 5 tháng qua. Với phương châm này, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và quân dân cả nước đã vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ triển khai thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, đa dạng (ứng vạn biến) nhằm khống chế, kiểm soát và hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

 

Đối với chính quyền, ngành Y tế và lực lượng chức năng các cấp, đó là kiểm soát chặt chẽ không để nguồn lây xâm nhập vào địa phương; thực hiện quyết liệt việc phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch; tăng cường giám sát người từ các nơi khác đến địa bàn, yêu cầu khai báo y tế cá nhân; thực hiện cưỡng chế cách ly y tế đối với các trường hợp chống đối cách ly theo quy định; tập trung điều trị các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2; tiếp tục giám sát người nhập cảnh, người từ nước ngoài về…

 

Đối với người dân là không ra khỏi nhà khi dịch bệnh hoành hành, không đến những vùng có dịch khi không cần thiết; đeo khẩu trang khi ra đường và khi đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách cần thiết tối thiểu khi giao tiếp; không tập trung đông người; tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ…

 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện cách ly toàn xã hội… và được toàn dân đồng lòng ủng hộ, chấp hành nghiêm túc. Trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, trong đó, quan trọng nhất là gói tín dụng hỗ trợ 250.000 tỉ đồng và 30.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp. Các bộ, ngành như Tài chính, Công thương, Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đề xuất giảm mức thu phí, lệ phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ…

 

Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp trực tuyến để ghi nhận các ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp cả nước nhằm tháo gỡ khó khăn, rào cản, mở đường cho doanh nghiệp tái khởi động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đó là hộ kinh doanh; người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Góp phần cùng Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội trong mùa đại dịch, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tự nguyện tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, máy thở, máy trợ thở, gạo, nhu yếu phẩm… cho ngành Y tế, lực lượng vũ trang và người dân. Tiêu biểu trong lĩnh vực này là “ATM gạo” cho người nghèo - một sáng kiến vừa đậm tính nhân văn vừa đảm bảo an toàn cho người nhận của anh Hoàng Tuấn Anh, hiện là Giám đốc điều hành Công ty PHGLock (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Như một sự lan tỏa tự nhiên của tình người hướng thiện, chưa đầy một tuần sau, “ATM” độc đáo này đã nhanh chóng có mặt tại nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam, Hà Nội…

 

Với quan điểm “Chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, nhiều quyết sách, giải pháp đúng đắn, khả thi, phù hợp, quyết liệt được đề xuất, triển khai từ trung ương đến cơ sở; mọi nguồn lực Nhà nước và xã hội được huy động kịp thời, hiệu quả vào công cuộc chống dịch. Nhờ vậy, đến ngày 16/5, Việt Nam đã bảo vệ được thành quả bước đầu trong chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cả nước có tổng cộng 318 ca mắc bệnh và hiện chỉ còn 58 bệnh nhân đang điều trị, chưa có ca nào tử vong.

 

74 năm đã trôi qua, lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi luôn là bài học giá trị, là kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của các thế hệ cán bộ cách mạng nước ta. Kiên định lập trường, mãi mãi đi theo lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã chọn, đồng thời có các chiến lược, sách lược, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn sẽ là con đường đưa Tổ quốc Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như nghị quyết của Đảng đã đề ra.

 

-------------

(*) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr216

 

THẠCH BÍCH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek