Chủ tịch Hồ Chí Minh coi văn chương, thơ ca là những phương tiện hữu hiệu để người làm cách mạng sử dụng tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết. Trong suốt cuộc đời cách mạng, Người luôn dùng ngòi bút sắc bén, tài hoa của mình để viết nên những tác phẩm bất hủ thể hiện bằng nhiều thể loại báo chí, văn, thơ, kịch…, có sức hấp dẫn, lôi cuốn to lớn.
Bài thơ “Lịch sử nước ta” là bài thơ về lịch sử được Bác viết theo thể lục bát, với mục đích xây dựng lòng yêu nước, đến hôm nay vẫn lấp lánh vẹn nguyên giá trị tư tưởng, giáo dục.
“Dân ta phải biết sử ta”
Vào những năm 1941-1942, khi Nhật vào Đông Dương, dân ta chịu hai tầng áp bức “một cổ hai tròng” vô cùng khốn khổ. Thời điểm đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để khắc sâu truyền thống vẻ vang của cha ông, khích lệ lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đứng lên đấu tranh giành độc lập, Bác Hồ đã viết bài thơ “Lịch sử nước ta”.
Bài thơ được viết theo thể lục bát, gồm 208 câu; đây là bài thơ mà Bác đã chắt lọc một cách tinh tế, khoa học “Lịch sử nước ta” qua 30 cột mốc quan trọng với các niên biểu được Bác chọn đặt tên gọi cho dễ hiểu, dễ nhớ. Bài thơ được báo Việt Minh tuyên truyền xuất bản lần đầu vào tháng 2/1942, tại căn cứ Cao Bằng. Đã gần 70 năm trôi qua nhưng tinh thần của bài thơ vẫn tươi rói tinh khôi, để mỗi người khi đọc đến lại thấy dạt dào lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước được nâng lên qua những vần thơ sâu lắng như hồn cốt dân tộc từ ngàn xưa vọng lại.
Bắt đầu từ Hồng Bàng, năm 2879 trước Tây lịch và kết thúc bằng sự dự báo tài tình của một vị lãnh tụ vĩ đại: Việt Nam độc lập - 1945. Mở đầu bài thơ, Bác Hồ viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu thơ bình dị tưởng chừng như ai cũng biết nhưng thực ra cho tới hôm nay chưa hẳn là như vậy. Bởi lịch sử nước nhà có nhiều giai đoạn chính bản thân chúng ta còn lẫn lộn. Trên thực tế không ít người Việt Nam biết sử ngoại bang còn rõ hơn lịch sử nước mình. Hơn nữa, vào thời điểm bấy giờ, phần lớn nhân dân “mù chữ” thì việc “biết” lịch sử nước nhà càng gặp nhiều khó khăn. Để “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Bác đã lần lượt điểm qua trang sử bốn ngàn năm “Tiên rồng rực rỡ” bằng cách gieo vần, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ theo dòng chảy thời gian.
Bốn ngàn năm “Tiên rồng rực rỡ”
Nội dung bài thơ được bắt đầu từ “Hồng Bàng là tổ tiên ta”, đến suốt cả giai đoạn trường kỳ hình thành của dân tộc trước Công nguyên, Bác chỉ chọn hình ảnh “Phù Đổng Thiên Vương”, người anh hùng tuổi trẻ được huyền thoại hóa “dẹp loài vô lương” cứu nước. Nhưng đến năm 40 sau Công nguyên trở đi, Bác kể liên tiếp bao anh hùng đứng lên chống ngoại xâm, chống lại đế quốc Trung Hoa.
“Nước Tàu cậy thế đông người/ Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam/ Quân Tàu nhiều kẻ tham lam/ Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?”. Bọn giặc xâm lược bị nhân dân ta đánh cho bao phen thất hồn, bạt vía. Hai Bà Trưng là tấm gương liệt nữ “Ra tay khôi phục giang sơn/ Tiếng thơm đài tạc đá vàng nước ta”. Rồi tiếp đó là Triệu Ẩu, người con xứ Thanh “khởi binh cứu nước” từng “đánh đông, dẹp bắc” khiến kẻ thù mất vía.
Lịch sử oanh liệt được Mai Hắc Đế, Ngô Quyền tiếp tục khẳng định “Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”, mang lại thời kỳ hòa bình rực rỡ, vừa xây dựng, vừa chống ngoại xâm bảo vệ non sông gấm vóc. Những nhân tài anh kiệt được Bác Hồ lần lượt điểm qua, như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn… Bác đã dừng lại khắc họa người anh hùng Lý Thường Kiệt: “Lý Thường Kiệt là hiền thần/ Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm thành/ Tuổi già phỉ chí công danh/ Mà lòng yêu nước trung thành không phai”.
Với 175 năm của nhà Trần, Bác đã khắc sâu những công lao các triều vua Trần rất tinh tế, tài hoa “Quân Nguyên binh giỏi tướng tài/ Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu/ Tung hoành chiếm nửa Âu châu/ Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la/ Lăm le muốn chiếm nước ta/ Năm mươi vạn lính vượt qua biên thùy”. Tiếp đến là những vần thơ hào sảng về chiến thắng quân giặc Nguyên Mông “Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu/ Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang/ Mênh mông một dải Bạch Đằng/ Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”. Hình ảnh Hưng Đạo Vương là bậc anh hùng trẻ tuổi “Mấy lần đánh thắng quân Nguyên” làm rạng rỡ non sông gấm vóc. Người anh hùng Lê Lợi được Bác ca ngợi nếm mật nằm gai mười năm chống giặc Minh “Kìa Tụy Động, nọ Chi Lăng/ Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành/ Mười năm sự nghiệp hoàn thành/ Nước ta thoát khỏi cái vòng nguy nan”.
Bác miêu tả người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ phi thường đứng lên dẹp loạn phân tranh, với ngữ điệu xót xa khi nước ta một lần nữa rơi vào tay giặc, rồi bừng lên, rực sáng dưới triều Quang Trung “Nguyễn Huệ là kẻ phi thường/ Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu”… “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”.
Đoàn kết tất thắng
Bác đã dành phần nửa tác phẩm còn lại viết về lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc dưới ách thống trị của thực dân Pháp, sự đầu hàng của vua quan nhà Nguyễn và đặc biệt khắc họa vai trò những người anh hùng nối bước cha ông đứng lên chống giặc Tây. Bác như muốn tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, mục đích của cách mạng đang đặt ra là đánh đuổi giặc Pháp giành tự do, độc lập. Điểm qua sự đầu hàng nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn, Bác khẳng định ở chiều ngược lại, dân ta quyết không chịu cúi đầu, các thế hệ lại nối bước đi lên với Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, và trước đó nữa, là phong trào Cần vương của ông vua trẻ tuổi yêu nước Hàm Nghi, tiếp sau là các cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, Yên Bái “Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An/ Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu”.
Truyền thống yêu nước được Đảng khơi gợi, đẩy lòng yêu Tổ quốc lên đỉnh cao trong cuộc đấu tranh một mất một còn trong bài thơ: “Bắc Sơn đó, Đô Lương đây/ Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn”.
Bài thơ tiếp tục được Bác sử dụng bút pháp dồn dập, trùng điệp với khí thế ngút trời. Để đánh thức toàn dân, phần cuối bài thơ Bác kêu gọi: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau/ Bất kỳ nam, nữ, giàu, nghèo/ Bất kỳ già, trẻ cùng nhau kết đoàn/ Người giúp sức, kẻ giúp tiền/ Cùng nhau giành lấy chủ quyền về ta…”.
Kết thúc bài thơ là sự dự đoán thiên tài, là lòng tự hào, niềm tin tất thắng vào sức mạnh từ lòng yêu nước nồng nàn, mỗi khi toàn dân ta biết đoàn kết lại: “Mai sau sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng/ Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Bài thơ “Lịch sử nước ta” là một tác phẩm có giá trị xây dựng tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước trong mọi thời đại. Hôm nay và mãi mãi mai sau, chúng ta không thể không tự hào về lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lòng tự hào, tình yêu nước là hành trang mỗi thời đại Việt Nam vững vàng tiến tới theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân đã chọn.
Lịch sử nước ta” là một tác phẩm độc đáo, mang tính nghệ thuật, tính tư tưởng rất cao. Tác phẩm được Bác viết theo thể lục bát, từ ngữ tiết tấu gần gũi dễ đi vào lòng người Việt Nam. |
NGUYỄN BÁ THUYẾT