Chủ Nhật, 26/01/2025 16:58 CH
Thế trận lòng dân qua chiến thắng Điện Biên Phủ
Thứ Năm, 07/05/2020 07:58 SA

Du khách tham quan di tích chiến trường Đồi A1 (thuộc quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: PV

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân của ta đã phải đương đầu với một đội quân xâm lược lớn mạnh, có quân số đông, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Điều mà tôi tâm đắc nhất về chiến thắng này, đó là: Thế trận lòng dân.

 

Phát huy cao độ sức mạnh chính trị

 

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng

(Tố Hữu)

 

Đối diện với thế lực xâm lược, nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh phải giải quyết một bài toán lịch sử mới: Làm thế nào để nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân có thể chiến thắng được một đội quân xâm lược nhà nghề, ở một chiến trường rừng núi hết sức phức tạp về địa hình, khí hậu, thời tiết, trong điều kiện đất nước còn muôn vàn khó khăn, thử thách, lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là quân đội nhân dân còn non trẻ, vũ khí trang bị còn ít và thô sơ?

 

Năm 1953, sau 8 năm trở lại xâm lược Đông Dương, dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự đến mức cao nhưng thực dân Pháp vẫn không đạt được mục đích cơ bản đề ra là tiêu diệt chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, thiết lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm 1945. Trái lại, chúng phải chịu những tổn thất nặng nề: bị thiệt hại 390.000 quân, vùng chiếm đóng thu hẹp, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng ngày càng sâu sắc...

 

Mặt khác, những khó khăn về kinh tế, tài chính và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong nước ngày càng dâng cao đẩy chính phủ Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới. Lợi dụng tình thế này, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, tích cực viện trợ cho Pháp kéo dài và mở rộng cuộc chiến nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng.

 

Tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Nava - người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn” sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương với hy vọng sớm giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” dứt điểm cuộc chiến tranh. Sau một thời gian tìm hiểu tình hình chiến trường, tháng 7/1953, tướng Nava đề ra kế hoạch quân sự mới ở Đông Dương (còn gọi là kế hoạch Nava).

 

Cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều đánh giá kế hoạch Nava là “hoàn hảo, phù hợp”, sẽ mang đến thắng lợi trong vòng 18 tháng!

 

Thực hiện kế hoạch quân sự mới đề ra, thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân đánh phá, càn quét bình định, ra sức bắt lính; đồng thời đưa thêm nhiều đơn vị quân viễn chinh vào Đông Dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, địch đã củng cố, xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ.

 

Vận dụng và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự vô sản, nhất là nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, nghệ thuật phát huy vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong chiến tranh chính nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; kế thừa truyền thống, kinh nghiệm “trăm họ là binh”, “cả nước một lòng”, “toàn dân đánh giặc, “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận”, “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều”…; chúng ta đã quy tụ, khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của lực lượng vũ trang nhân dân và của nhân dân các dân tộc Việt Nam để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 

Du khách tham quan di tích chiến trường Đồi A1 (thuộc quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Gắn kết và quy tụ sức mạnh

 

Thế trận lòng dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ là sự gắn kết và quy tụ sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân với nhân dân các dân tộc Việt Nam. Trong những ngày đêm gian khổ, khó khăn, chiến đấu, hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ, bộ đội, công an và dân công đã kề vai, sát cánh chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

 

Lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân các dân tộc Việt Nam, nhất là lực lượng vũ trang nhân dân trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã gắn bó keo sơn, đồng cam cộng khổ, cùng nhau chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, với những ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.

 

Thế trận lòng dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ là sự gắn kết và quy tụ sức mạnh của hậu phương và của tiền tuyến. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của một đất nước vừa giành được độc lập, nhưng hậu phương của chiến tranh, nhất là hậu phương ở chiến trường Tây Bắc đã được củng cố, xây dựng, nhất là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân để tập trung sức chi viện cho tiền tuyến.

 

Ở hậu phương, do thực hiện tốt chính sách cải cách ruộng đất nên nông dân rất phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, hăng hái đóng thuế nông nghiệp, xung phong tòng quân và đi dân công phục vụ chiến dịch. Những kết quả đạt được trong cải cách ruộng đất đã động viên, khích lệ, làm nức lòng các chiến sĩ đang chiến đấu ở ngoài mặt trận.

 

Những chiến thắng vang dội của các chiến sĩ ở ngoài mặt trận, nhất là những chiến công vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dũng cảm, hy sinh vì thắng lợi của chiến dịch đã có sức lay động, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của không chỉ các chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở mặt trận, mà còn có ý nghĩa động viên tinh thần của nhân dân ở hậu phương làm tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó, động viên, khích lệ lẫn nhau giữa tiền tuyến với hậu phương, hậu phương với tiền tuyến, tạo nên thế trận lòng dân ngày càng gắn bó vững chắc, “một người làm việc bằng hai, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

 

Thế trận lòng dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện của việc khơi dậy và phát huy sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân các dân tộc Việt Nam trong việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, sẵn sàng đứng lên chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

 

Với việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân các dân tộc Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ tạo nên một thế trận lòng dân vững chắc, nhất là đã tạo ra được một phong trào thi đua giết giặc lập công sôi nổi, rộng khắp từ cán bộ đến chiến sĩ, từ những người trực tiếp chiến đấu đến những người phục vụ chiến đấu trong suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, “máu trộn bùn non”, nhưng “gan không núng, chí không mòn”.

 

Việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân các dân tộc Việt Nam không chỉ là việc khơi dậy và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của những người trực tiếp chiến đấu và những người phục vụ chiến đấu ngay tại mặt trận, mà đó còn là việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của toàn thể nhân dân các dân tộc Việt Nam hướng ra tiền tuyến với tinh thần: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

 

Thực hiện lời động viên, kêu gọi của Trung ương Đảng, của Chính phủ, của Hồ Chủ tịch, hàng vạn con em các dân tộc Việt Nam trên khắp các vùng, miền của đất nước đã hăng hái xung phong, nô nức lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

 

Chúng ta đã khơi dậy và phát huy được cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, quy tụ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ, đóng góp của nhân dân cả tinh thần và vật chất, cả lực lượng và của cải cho chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ, để rồi làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như nhà thơ Tố Hữu đã viết.

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi sâu vào dĩ vãng, theo dòng chảy của thời gian nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó vẫn vẹn nguyên trong lòng dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới; xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, để giờ đây, chúng ta lại cùng nhau kỷ niệm chiến thắng này như một mốc son trong lịch sử giữ nước của dân tộc.

 

Tự hào lắm, Việt Nam ơi!

 

LÊ ÁI NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek