Sáng 10/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 30 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Ủy ban cũng xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã thuộc huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Tiếp theo với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an) và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện một bước dự thảo luật.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật, gồm: về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là dự án luật lớn, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào các phiên họp tới.
Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam (Điều 17). Điểm b khoản 4 Điều 17 dự thảo luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…” (Điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự). Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng...
Các ý kiến tại phiên họp cơ bản nhất trí với ý kiến của Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an), tán thành quy định của dự thảo luật, cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động... ; cần quy định chặt chẽ các điều kiện về loại tội, mức hình phạt, thời hạn tù, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động... để đưa phạm nhân ra lao động tại “khu sản xuất”, “điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam.
Về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân (Điều 27 Dự thảo Luật). Điều 27 Dự thảo Luật quy định 9 nhóm quyền mà phạm nhân được hưởng trong quá trình chấp hành án phạt tù. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, về nguyên tắc, quyền cơ bản của con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp, do đó các luật chuyên ngành cần phải cụ thể hóa các quyền này.
Tuy nhiên, đối với phạm nhân, do bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội.
Mặt khác, ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu (như quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe; bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp; quyền lao động, học tập, học nghề...) cần phải được thực hiện tốt, một số quyền khác đối với phạm nhân còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước (như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng...). Vì vậy, việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân là cần thiết nhưng phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức...
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, phân tích, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung quyền và nghĩa vụ của phạm nhân cần được nghiên cứu thêm. Những gì chưa cụ thể thì có thể theo cách "một số quyền và nghĩa vụ khác", Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại (Chương XI): Các ý kiến về cơ bản tán thành với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đó là quy định giao Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu tổ chức thi hành án.
Việc giao Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành là phù hợp với bản chất hoạt động thi hành án đối với pháp nhân thương mại là hoạt động tư pháp, cần được giao cho một cơ quan tư pháp, chuyên trách về thi hành án hình sự thực hiện.
Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sự tập trung, thống nhất về đầu mối quản lý Nhà nước, cũng như tổ chức thực hiện trong lĩnh vực này; kế thừa và phát huy được kinh nghiệm về thi hành án hình sự từ trước đến nay, nhất là kinh nghiệm thực tiễn về thi hành án hình sự đối với cá nhân theo luật hiện hành...
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Tại các điều: 62, 88 và 103 dự thảo luật quy định giao cho “người có tư cách đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, đơn vị; có kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội, có kiến thức về pháp luật hoặc được đào tạo, tập huấn về pháp luật” trực tiếp thực hiện việc quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ (người thi hành án hình sự tại cộng đồng)...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thảo luận ở Quốc hội và các cơ quan hữu quan cho rằng nên giữ như quy định hiện hành. Tức là giao trách nhiệm này cho UBND cấp xã; đồng thời hiện nay đang kiện toàn tổ chức, bộ máy lực lượng Công an nhân dân, vậy nên công an cấp xã chịu trách nhiệm giúp cho UBND xã trong thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Bộ ngành hữu quan tìm hiểu thêm thông lệ quốc tế, kinh nghiệm một số nước nhằm cung cấp thêm thông tin cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham khảo, để khi trình ra tại kỳ họp thứ bảy tới Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này đảm bảo đồng bộ với các luật khác.
Cũng trong sáng 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất cử ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, thay ông Giang Sơn nghỉ hưu từ 1/10/2018.
Theo TTXVN, Vietnam+