Thứ Sáu, 17/01/2025 20:36 CH
Kỷ niệm 60 năm ra đời tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (12/1958-12/2018):
Những giá trị trường tồn của tác phẩm
Thứ Năm, 29/11/2018 10:00 SA

Vào cuối năm 1958, đầu năm 1959, ở thời điểm tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tổng kết những kinh nghiệm cuộc đời đầy sóng gió của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng dưới bút danh Trần Lực. Đây là một trong những tác phẩm tập trung đầy đủ nhất những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.

 

Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng mẫu mực, kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam với đạo đức cách mạng cao quý - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Vai trò, vị trí và tiêu chuẩn của đạo đức cách mạng

 

Đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Trong tác phẩm, Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, bởi vì “Người có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình và “đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”.

 

Đạo đức cách mạng giúp mỗi người khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa...

 

Để tu dưỡng bền bỉ suốt đời thông qua đạo đức cách mạng, tiêu chuẩn đầu tiên không thể thiếu được của người cán bộ cách mạng là Đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng ở đây không phải là cái gì trừu tượng, cao xa hoặc từ trên trời rơi xuống, mà là những điều hết sức bình thường, hết sức cụ thể, dễ hiểu, đó là:

 

“Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

 

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

 

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

 

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.

 

Có thể khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tính tự giác, tự rèn luyện đạo đức của người cán bộ. Phẩm chất đạo đức là giá trị riêng có của từng người, không thể vay mượn, càng không phải chỉ là những lời nói cửa miệng về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người cách mạng phải thấy thật rõ điều đó và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, để hết lòng, hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội”.

 

Sở dĩ cần có người cách mạng là vì trên đường cách mạng khi nào mà chẳng có vô số kẻ địch và khó khăn cản trở cách mạng tiến lên, đó là chủ nghĩa tư bản, bọn đế quốc và tay sai của chúng, là những cái cũ, cái lạc hậu, lỗi thời phản động và chính ngay chủ nghĩa cá nhân ẩn náu trong mỗi người. Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn định nghĩa: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ được giao”.

 

Giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là những nội dung không chỉ mang tính chất định tính trong nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên mà còn định hướng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên hành động; cũng chính là một biểu hiện của nội dung gắn liền lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Bởi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là sự quán triệt, vận dụng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người căn dặn: “Những chính sách và Nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng.

 

Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, Đảng chỉ vững mạnh khi có quan hệ máu thịt với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, gắn bó mật thiết với nhân dân là “tư cách và bổn phận” của người đảng viên: “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân”.

 

Chống chủ nghĩa cá nhân

 

Chủ nghĩa cá nhân là một biểu hiện tiêu cực trong xã hội, đi ngược lại sự phát triển, làm tha hóa con người, là một trong những lực cản thực hiện các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, ổn định xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập của nước ta từ trước đến nay. Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát một cách toàn diện, cụ thể: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể”, “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Chủ nghĩa cá nhân là “vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ”, “là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Người cảnh báo: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.

 

Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Người xem nó là một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... trói buộc, bịt mắt những nạn nhân của nó, khuyến khích lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân, không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Người khẳng định “chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người kết luận: “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân” và cách thức để gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, chống lại chủ nghĩa cá nhân là phải rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thường xuyên, liên tục ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi.

 

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức của Người đã làm nên hình tượng Hồ Chí Minh vĩ đại mà hết sức gần gũi đối với mọi người, một hình tượng có sức sống lâu dài, mạnh mẽ bởi tính nhân văn, trí tuệ, nhân cách Việt Nam.

 

Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây 60 năm, nhưng nó vẫn còn tươi nguyên giá trị và mãi trường tồn. Hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cùng với đó là các nghị quyết Trung ương 5, 6, 7, 8 khóa XII, thì tác phẩm Ðạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là “cẩm nang” để mỗi cán bộ, đảng viên tự xem xét, đánh giá, rèn luyện và phấn đấu về mọi mặt, từ tư tưởng, chính trị đến đạo đức, chống và bài trừ các hành vi mang tính chủ nghĩa cá nhân, đặc quyền, đặc lợi; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân.

 

NGUYỄN VĂN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek