LTS: Ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự toán ngân sách nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn… Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân đã tham gia thảo luận về vấn đề này. Báo Phú Yên xin trân trọng trích đăng bài phát biểu trên.
Tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo số 513 ngày 18/10/2018 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội. Cử tri đánh giá cao kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân phát biểu thảo luận sáng 29/10 - Ảnh: CTV |
Đây là lần đầu tiên có bước đổi mới mang tính đột phá trong việc thay đổi căn bản phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia dành cho đầu tư phát triển. Chúng ta chuyển từ cơ chế quản lý theo kế hoạch từng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hàng năm.
Đồng thời bước đầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính trong việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án gắn với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cân đối vĩ mô và an toàn cho nợ công.
Công tác quản lý đầu tư công có những chuyển biến tích cực từ việc lập, phân bổ, giao kế hoạch, vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển được giám sát chặt chẽ, công khai minh bạch và hiệu quả để bước đầu có tiến bộ.
Mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực. Tỉ trọng đầu tư công giảm xuống mức 34,8%.
Nguồn vốn đầu tư công đã tập trung hơn vào các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, ưu tiên các vùng khó khăn đạt hiệu quả.
Việc phân bổ vốn đầu tư công cơ bản đã tuân thủ theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, khắc phục tình trạng bị động, đầu tư cắt khúc như trước đây.
Những kết quả trên là bước đầu và rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công trong thời gian qua đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục:
Danh mục đầu tư công theo thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn nhiều vướng mắc nhưng chưa được hướng dẫn để giải quyết cụ thể. Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải và dở dang, gây lãng phí.
Việc giải ngân đạt thấp, kể cả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ lẫn chương trình mục tiêu. Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng của quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư và vấn đề này trong phát biểu về kinh tế - xã hội đã nhiều đại biểu phân tích.
Việc thu hút các nguồn lực khác tham gia vào đầu tư xã hội còn hạn chế dẫn đến một số dự án phải chuyển sang đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Làm tăng áp lực đối với việc cân đối ngân sách và tỉ trọng đầu tư nhà nước cao nhưng hiệu quả chưa cao.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thực hiện Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, nhưng trong báo cáo của Chính phủ không đề cập đến nguyên nhân. Xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan để đề ra những giải pháp khắc phục tốt hơn trong thời gian tới.
Về nguyên nhân trong báo cáo không nêu nhưng trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, tôi cơ bản thống nhất với báo cáo đó và đề nghị Chính phủ cần xem xét thêm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần rà soát kỹ những quy định của Luật Đầu tư công chưa hợp lý, chưa thống nhất với các luật liên quan như: Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch, để kiến nghị sửa đổi nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công trong thời gian đến.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 26 của Quốc hội, đó là việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tổ chức và cá nhân trong việc chấp hành chưa nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư công, dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên (vấn đề này trong kỳ họp thứ 2, chúng tôi đã có kiến nghị, đến nay trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập vấn đề này). Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm túc, kịp thời những sai phạm trong thực hiện Luật Đầu tư công.
Thứ ba, tăng cường công tác hướng dẫn và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ở các địa phương, đơn vị bởi vì trong báo cáo thì chúng ta đánh giá là cán bộ làm các dự án năng lực còn hạn chế dẫn đến kéo dài thời gian và chưa đảm bảo đúng quy trình, cần phải hướng dẫn và tập huấn cụ thể hơn.
Thứ tư, chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc đi ngang qua tỉnh Bình Định và Phú Yên để phát huy tác dụng của hầm Cù Mông, hầm Đèo Cả. Mặt khác vấn đề này chúng tôi rất khó trả lời trước cử tri vì sao tuyến cao tốc đi từ Bắc vào Nam đến Quảng Ngãi thì dừng và lại tiếp tục từ Khánh Hòa vào phía Nam, tỉnh Phú Yên, Bình Định thì không có. Trong khi đó tuyến quốc lộ 1 hiện nay đang hư hỏng rất nặng và quá tải, mong Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm. Vấn đề thứ hai là nghiên cứu dự án khả thi cho tuyến đường sắt từ Phú Yên đi Tây Nguyên để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế vùng được tốt hơn trong thời gian tới.
--------------------
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt