Lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn là vấn đề được cử tri quan tâm lớn, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tiếp tục có nhiều thảo luận nhằm hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, cũng như cho ý kiến về vấn đề sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) dẫn lại báo cáo của Chính phủ, trong đó có đánh giá chất lượng giáo dục đại học còn chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, sai phạm trong kỳ thi phổ thông quốc gia, vấn đề sách giáo khoa... gây ra bức xúc trong dư luận.
"Các thiếu sót này đa phần đã được nêu ra từ các báo cáo trước đây. Và đợt này cá biệt có một số vấn đề. Trong chín tháng vừa qua như một loạt vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 và tình trạng bất ổn trong thị trường phát hành sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới, tuy nhiên theo tôi, những giải pháp này còn chưa có tính đột phá, vì vẫn gần giống như các giải pháp đã nêu từ kỳ họp trước", đại biểu Hiếu nói.
Đại biểu cho rằng cần phân tích chính xác nguyên nhân gây bất cập, thiếu sót vừa xảy ra để tìm ra mắt xích bị lỗi trong quá trình vận hành. Đơn cử như trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình chung kỳ thi trung học phổ thông năm 2018 đã được xây dựng chặt chẽ, quy chế thi được ban hành đầy đủ nhưng vẫn còn sơ hở trong bảo mật.
"Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong sơ hở này? Hay là lỗi khách quan, lỗi do quy trình?" đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị phải chỉ rõ ra cá nhân nào trực tiếp chịu trách nhiệm thì mới đề ra được biện pháp khắc phục hiệu quả, cũng như lấy được lòng tin của nhân dân.
"Trong thực tế, khi tìm ra trách nhiệm chính của một sai phạm, xử lý nghiêm thì sai phạm ấy mới không bị tái phạm trong lĩnh vực ấy, trong địa phương ấy, cũng như trên phạm vi cả nước", đại biểu Hiếu nói. Bên cạnh đó, các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh được chúng ta nhắc lại rất nhiều lần nhưng hiệu quả chưa cao, chưa giải quyết được những thiếu sót hạn chế đã và đang tồn tại trong hệ thống giáo dục, cũng như y tế.
Đại biểu mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ có sự quan tâm hơn nữa đến hai lĩnh vực an sinh xã hội quan trọng là giáo dục, y tế. Như theo báo cáo của Chính phủ, chúng ta đã có sự thành công rất đáng được ghi nhận trong phát triển kinh tế. Khi người dân căn bản "có cơm ăn, áo mặc" thì người dân quan tâm nhất chính là bảo đảm sức khỏe của mình, người thân trong gia đình mình, có chăm lo việc học tập cho con em.
Đại biểu mong Chính phủ tăng cường đầu tư và theo dõi, giám sát để nâng cao chất lượng hai lĩnh vực này, để nguồn ngoại tệ khổng lồ chảy ra nước ngoài phục vụ cho việc chữa bệnh và du học ngày càng giảm theo thời gian. Chính phủ nên thống kê con số này, lấy làm chỉ tiêu để định hướng cho việc phát triển bền vững.
Về vấn đề sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đề nghị cả nước cùng dùng chung một bộ sách giáo khoa còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao cho những đối tượng cần thiết.
"Không nên một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa. Bởi nhiều là bao nhiêu, không khéo dễ bị lạm dụng. Điều này chỉ thích hợp với tương lai. Chúng ta cần hội nhập nhưng cũng cần giữ gìn bản sắc dân tộc bởi mỗi công dân Việt Nam là người Việt Nam”, đại biểu đề nghị.
Theo TTXVN, Vietnam+