Văn phòng UBND tỉnh vừa có thông báo về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương liên quan đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương của tỉnh (DDCI).
Để đạt được các mục tiêu đến năm 2020 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong tốp 20 và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm trong tốp 30 của cả nước theo như Chương trình hành động số 06/2016 của Tỉnh ủy, Kế hoạch 84/2016 của UBND tỉnh đề ra thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp trong tỉnh; có sự phân công, gắn trách nhiệm tập thể và cá nhân người đứng đầu từng cấp, từng ngành trong triển khai thực hiện; đổi mới nhận thức, tư duy, thái độ ứng xử và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện tốt nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương tổ chức công bố công khai kết quả chỉ số DDCI năm 2018 lên trang thông tin điện tử của đơn vị; đồng thời rà soát lại kết quả thực hiện của ngành, địa phương mình, phân tích đánh giá rõ nguyên nhân các chỉ số thành phần, nhất là các chỉ số còn thấp điểm để đưa ra giải pháp, xây dựng kế hoạch khắc phục và nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Tập trung xây dựng chính quyền điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước trong tất cả các cấp, các ngành theo hướng hiện đại, đồng bộ, thông suốt, tiện lợi, nhanh chóng, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và nhu cầu tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, tạo thói quen để các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh...
Theo UBND tỉnh, việc đánh giá DDCI năm 2018 được triển khai thí điểm tại 26 đơn vị của tỉnh. Đối với 17 sở, ban ngành, chỉ số DDCI được đánh giá dựa trên 8 chỉ số thành phần, bao gồm: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí không chính thức; vai trò người đứng đầu; chi phí thời gian; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động và hiệu quả của hệ thống; cạnh tranh bình đẳng.
Kết quả 17 đơn vị có điểm trung vị đạt 48,45 điểm; 3 đơn vị dẫn đầu về chỉ số này là Cục Thuế, Sở Công thương và Sở KH-CN. Tương tự, Khối Địa phương cũng được đánh giá dựa trên 8 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí thời gian; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; vai trò người đứng đầu; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tiếp cận đất đai; thiết chế pháp lý, an ninh trật tự. Kết quả, điểm trung vị cả khối là 40,54 điểm; huyện Tuy An, Tây Hòa xếp thứ nhất và thứ hai trong số 9 huyện, thị xã, thành phố.
Qua đó đã giúp tỉnh có thêm thông tin đánh giá khách quan về hiệu quả phục vụ của hệ thống chính quyền.
VÂN NGUYÊN